Trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm trong đăng kiểm phương tiện thủy nội địa được quy định thế nào?

Trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm trong đăng kiểm phương tiện thủy nội địa được quy định thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan trong việc thực hiện đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Chính vì thế, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm trong đăng kiểm phương tiện thủy nội địa được quy định thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Minh Thành (thanh***@gmail.com)

Trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm trong đăng kiểm phương tiện thủy nội địa được quy định tại Điều 17 Thông tư 48/2015/TT-BGTVT quy định về đăng kiểm phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau:

1. Đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm thực hiện nội dung đăng kiểm theo quy định đối với loại phương tiện quy định tại khoản 4 Phụ lục IX thuộc địa phương quản lý và các phương tiện quy định tại khoản 3 Phụ lục IX của Thông tư này khi đủ năng lực và được Cục Đăng kiểm Việt Nam xác nhận và thông báo.

2. Đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam có trách nhiệm thực hiện nội dung đăng kiểm theo quy định đối với loại phương tiện quy định tại khoản 1, 2, 3 Phụ lục IX của Thông tư này. Trong trường hợp có đề nghị của Sở Giao thông vận tải thì nhiệm vụ đăng kiểm được phân công cho đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở Giao thông vận tải sẽ do đơn vị đăng kiểm trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện.

3. Đơn vị đăng kiểm phải đáp ứng yêu cầu về năng lực và phải được xác nhận và thông báo có đủ năng lực phù hợp với hạng I, II, III quy định tại Phụ lục X của Thông tư này.

4. Đơn vị đăng kiểm phải có trách nhiệm bố trí đủ nhân lực thực hiện công tác đăng kiểm trên địa bàn được giao thỏa mãn quy định tại Phụ lục X và Phụ lục XI; Phân công đăng kiểm viên thực hiện kiểm tra theo đúng trình độ và năng lực ghi trong giấy chứng nhận đăng kiểm viên.

5. Thực hiện kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa một cách khách quan, phù hợp với yêu cầu nghiệp vụ và đúng pháp luật.

6. Người đứng đầu đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên trực tiếp thực hiện kiểm tra phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.

7. Công khai trình tự, thủ tục, nội dung quy trình, phí, lệ phí và thời gian làm việc.

8. Thực hiện chế độ lưu trữ, báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.

9. Tuân thủ sự chỉ đạo và hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Cục Đăng kiểm Việt Nam về công tác kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho phương tiện.

10. Chấp hành việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động đăng kiểm của cơ quan chức năng.

11. Quản lý, giám sát hoạt động đăng kiểm, thường xuyên giáo dục đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, đăng kiểm viên và nhân viên; phòng, chống tiêu cực trong hoạt động đăng kiểm của đơn vị.

12. Thu phí, lệ phí theo quy định hiện hành.

13. Khi nhận được yêu cầu kiểm tra bất thường bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đơn vị đăng kiểm phải tổ chức thực hiện kiểm tra và trả lời bằng văn bản về kết quả kiểm tra theo nội dung, thời gian và địa điểm yêu cầu kiểm tra.

14. Thu hồi giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và Tem kiểm định của phương tiện trong trường hợp tàu bị tai nạn mà không còn đảm bảo trạng thái kỹ thuật; thu hồi giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường trong trường hợp cấp hồ sơ đăng kiểm mới khi thực hiện chu kỳ kiểm tra tiếp theo.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm của đơn vị đăng kiểm trong đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 48/2015/TT-BGTVT.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đăng kiểm tàu biển

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào