Báo cáo giám sát tài chính của công ty mẹ, công ty TNHH MTV độc lập thuộc Bộ Quốc phòng
Báo cáo giám sát tài chính của công ty mẹ, công ty TNHH MTV độc lập thuộc Bộ Quốc phòng được hướng dẫn tại Điều 9 Quy chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng ban hành kèm theo Thông tư 48/2017/TT-BQP (Có hiệu lực từ 20/04/2017), theo đó:
Điều 9. Báo cáo giám sát tài chính
1. Căn cứ Báo cáo đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp, chủ thể giám sát tài chính theo quy định tại Điều 3 Quy chế này lập Báo cáo giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo nội dung sau:
a) Đối với công ty mẹ, công ty TNHH MTV độc lập:
- Tình hình bảo toàn phát triển vốn: Xem xét việc bảo toàn phát triển vốn của doanh nghiệp; hệ số bảo toàn vốn.
- Tình hình quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước.
- Nhận xét về việc huy động bảo đảm nguồn vốn đầu tư, tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân của dự án.
- Hiệu quả đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp.
- Tình hình quản lý, sử dụng vốn và tài sản: Nhận xét về tình hình đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, liên doanh và đầu tư dài hạn khác, tình hình đầu tư tài sản, tình hình huy động vốn và sử dụng vốn huy động, tình hình quản lý tài sản.
- Tình hình quản lý công nợ phải thu, công nợ phải trả. Trong đó: Nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (không bao gồm các chỉ tiêu “Quỹ khen thưởng phúc lợi”, “Quỹ bình ổn giá”, “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ” mà nhỏ hơn hoặc bằng 3 lần được xác định là đúng quy định hiện hành.
- Tình hình lưu chuyển tiền tệ.
- Tình hình thực hiện Kế hoạch sản xuất kinh doanh.
- Tình hình thực hiện nghĩa vụ công ích: Tình hình cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch; sản xuất, sửa chữa sản phẩm quốc phòng, cung ứng dịch vụ quốc phòng do Bộ Quốc phòng đặt hàng, giao kế hoạch (nếu có).
- Hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh: Nhận xét về tình hình thực hiện doanh thu, lợi nhuận so với kế hoạch, biến động của kết quả sản xuất kinh doanh qua các kỳ, tình hình quản lý chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí quản lý.
- Tình hình tài chính của doanh nghiệp: Nhận xét về khả năng sinh lời, khả năng thanh khoản hiện thời, khả năng thanh toán nhanh, các chỉ tiêu cân đối nợ và chỉ tiêu hoạt động, sự phù hợp của cơ cấu tài sản, nguồn vốn.
- Tình hình chấp hành chế độ chính sách: Tình hình tuân thủ và chấp hành các quy định về chính sách thuế, chính sách tiền lương và các chính sách khác; tình hình thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, ngân sách quốc phòng.
- Tình hình thực hiện chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng, phụ cấp trách nhiệm và quyền lợi khác đối với người lao động, người quản lý doanh nghiệp, Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
- Tình hình thực hiện các kiến nghị trước đó của Bộ Quốc phòng, đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, kiểm soát viên, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh hợp nhất toàn Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước.
Đánh giá về tình hình thực hiện doanh thu, lợi nhuận so với kế hoạch; biến động của kết quả sản xuất kinh doanh qua các kỳ, tình hình quản lý chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí quản lý. Số liệu được lấy từ Báo cáo tài chính hợp nhất của Tập đoàn, Tổng công ty.
2. Thời hạn nộp báo cáo
a) Báo cáo giám sát tài chính đối với doanh nghiệp thuộc đơn vị đầu mối trực thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan tài chính gửi về Cục Tài chính trước ngày 05 tháng 08 năm báo cáo đối với báo cáo 06 tháng; báo cáo năm nộp cùng với Báo cáo quyết toán tài chính hàng năm.
b) Công ty mẹ lập Báo cáo giám sát tài chính đối với công ty con là công ty TNHH MTV gửi về Cục Tài chính hoặc cơ quan tài chính (theo phân cấp quản lý) cùng thời điểm nộp Báo cáo đánh giá tình hình tài chính.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Báo cáo giám sát tài chính của công ty mẹ, công ty TNHH MTV độc lập thuộc Bộ Quốc phòng, được quy định tại Thông tư 48/2017/TT-BQP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật