Tổ chức hoạt động giám sát trực tuyến ngành hải quan
Tổ chức hoạt động giám sát trực tuyến ngành hải quan được quy định tại Điều 16 Quy chế thực hiện trực ban, giám sát trực tuyến trong ngành hải quan ban hành kèm theo Quyết định 888/QĐ-TCHQ năm 2017 như sau:
1. Cục Điều tra chống buôn lậu là đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện và tham mưu về công tác giám sát trực tuyến trong ngành Hải quan.
2. Tổ chức hoạt động giám sát trực tuyến.
2.1. Tại cơ quan Tổng cục Hải quan.
a) Cục Điều tra chống buôn lậu chủ trì quản lý vận hành hệ thống giám sát trực tuyến tại cơ quan Tổng cục Hải quan và tổ chức thực hiện hoạt động giám sát trực tuyến đảm bảo thường xuyên, liên tục 24 giờ/7 ngày.
b) Phòng Giám sát hải quan trực tuyến trực thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, vận hành hệ thống, thực hiện giám sát trực tuyến theo các quy định cụ thể tại quy chế này, các quy định có liên quan và theo quy trình nghiệp vụ hải quan.
2.2. Tại các Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố.
a) Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố đã được trang bị phòng quan sát camera từ các Chi cục thì Cục trưởng căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng được quy định tại quyết định4291/QĐ-TCHQ ngày 12/12/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan để quyết định tổ chức bộ phận giám sát trực tuyến và hoạt động giám sát trực tuyến theo quy định cụ thể tại Quy chế này, đảm bảo phù hợp với quy định của Tổng cục và tình hình thực tế của đơn vị.
b) Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố chưa được trang bị phòng quan sát camera từ các Chi cục thì Cục trưởng căn cứ điều kiện thực tế để giao nhiệm vụ đơn vị đầu mối thực hiện giám sát trực tuyến, thực hiện công việc theo nội dung Điều 10 Quy chế kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với việc thực hiện thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan ban hành kèm theo Quyết định số 4398/QĐ-TCHQ ngày 20/12/2016 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
3. Các đơn vị trong và ngoài ngành Hải quan có yêu cầu khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, hình ảnh từ hệ thống giám sát trực tuyến phục vụ công tác nghiệp vụ, căn cứ quy mô, tính chất công việc để trao đổi, phối hợp trên cơ sở quan hệ phối hợp công tác giữa các Vụ, Cục, đơn vị nghiệp vụ hoặc theo sự chỉ đạo lãnh đạo Tổng cục Hải quan.
4. Phối hợp, xử lý khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn.
a) Trường hợp thực hiện công tác giám sát trực tuyến thường xuyên hoặc theo nhiệm vụ của trực ban.
Khi phát hiện thông tin, vụ việc có khả năng xảy ra vi phạm thì báo cáo trực ban đơn vị để xử lý thông tin, tình huống phát sinh trong ca trực theo quy định tại Quy chế này.
b) Trường hợp thực hiện công tác giám sát trực tuyến trọng điểm theo chuyên đề, kế hoạch của đơn vị (Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố).
Khi phát hiện thông tin, vụ việc có khả năng xảy ra vi phạm thì báo cáo lãnh đạo đơn vị để xử lý thông tin, phối hợp đơn vị liên quan để kiểm tra, giám sát (theo mẫu Phụ lục V).
c) Trường hợp thực hiện công tác giám sát trực tuyến trọng điểm theo chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Tổng cục (qua đầu mối Phòng Tổng hợp, Văn phòng Tổng cục ).
Khi phát hiện thông tin, vụ việc có khả năng xảy ra vi phạm thì báo cáo lãnh đạo Tổng cục qua đầu mối Phòng Tổng hợp, Văn phòng Tổng cục để chỉ đạo.
Trên đây là quy định về Tổ chức hoạt động giám sát trực tuyến ngành hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 888/QĐ-TCHQ.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật