Phó phòng rút súng đe dọa dân bị xử lý thế nào?
Ông T. có hành vi rút súng đe dọa người dân nhưng đây là súng nhựa, chưa đủ để cấu thành tội nên ông T. không phải chịu trách nhiệm hình sự. Súng của ông T. là súng đồ chơi, nhưng nằm trong danh mục cấm, nên ông T. sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 đến 10 triệu đồng vì hành vi tàng trữ đồ chơi nguy hiểm theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính an ninh an toàn xã hội. Và súng của ông T. sẽ bị tịch thu cũng theo qui định tại Nghị định trên:
"4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Mua, bán các loại phế liệu, phế phẩm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
b) Vi phạm các quy định an toàn về vận chuyển vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;
c) Cưa hoặc tháo bom, mìn, đạn, lựu đạn, thủy lôi và các loại vũ khí khác để lấy thuốc nổ trái phép;
d) Sản xuất, tàng trữ, mua, bán, vận chuyển trái phép pháo, thuốc pháo và đồ chơi nguy hiểm;
...
8. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 1; Điểm b Khoản 2; Điểm d, đ, g Khoản 3; Điểm a, c, d Khoản 4; Khoản 5; Khoản 6 Điều này".
Do ông T. là công chức nên ông T. có thể sẽ bị kỷ luật từ mức khiển trách đến cảnh cáo đối với hành vi như vậy. Đáng lẽ ông T. nên nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thay vì rút súng đe dọa. Ông T. là công chức nên mọi hành vi của ông cần phải đúng chuẩn mực, văn hóa cư xử với người dân phải vừa nghiêm túc vừa lịch sự mà vẫn phải đúng luật.