Lập Kế hoạch kiểm toán tổng quát trong chuẩn bị kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình
Lập Kế hoạch kiểm toán tổng quát trong chuẩn bị kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình được hướng dẫn tại Điều 10 Quy trình kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình ban hành kèm theo Quyết định 02/2017/QĐ-KTNN (Có hiệu lực từ 27/04/2017), theo đó:
Điều 10. Lập Kế hoạch kiểm toán tổng quát
Trên cơ sở khảo sát, thu thập và đánh giá thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ, thông tin về tài chính và các thông tin khác về đơn vị được kiểm toán, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán, trọng tâm kiểm toán, Kế hoạch kiểm toán (KHKT) tổng quát được lập phù hợp theo quy định tại Đoạn 11 đến Đoạn 35 CMKTNN số 1300 – Lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính, Đoạn 21 đến Đoạn 48 CMKTNN số 3000 – Hướng dẫn kiểm toán hoạt động, Đoạn 8 đến Đoạn 38 CMKTNN số 4000 – Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ. KHKT tổng quát bao gồm các nội dung cơ bản sau:
1. Mục tiêu kiểm toán
Mục tiêu của cuộc kiểm toán được xác định căn cứ vào định hướng kiểm toán hàng năm của Kiểm toán nhà nước; đề cương kiểm toán (nếu có), yêu cầu và tính chất của cuộc kiểm toán; kết quả khảo sát, xác định trọng tâm và rủi ro kiểm toán để xác định mục tiêu cụ thể của cuộc kiểm toán.
Thông thường mục tiêu kiểm toán như sau:
- Xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các tài liệu, số liệu kế toán (nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư) và Báo cáo quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành, báo cáo tài chính hàng năm của dự án.
- Đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý đầu tư xây dựng, chế độ quản lý tài chính kế toán của Nhà nước.
- Phát hiện những tồn tại bất cập của cơ chế chính sách của Nhà nước có liên quan để kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung (nếu có).
- Đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của dự án.
- Cung cấp thông tin, số liệu tin cậy cho Quốc hội và các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng giám sát trong quá trình đầu tư các dự án.
- Phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí và sai phạm trong quá trình thực hiện dự án (nếu có); xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân và kiến nghị xử lý đối với các sai phạm theo quy định của pháp luật; kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách chế độ, quản lý kinh tế - kỹ thuật và quản lý tài chính kế toán.
2. Nội dung kiểm toán
Căn cứ hướng dẫn nội dung kiểm toán hàng năm của Kiểm toán nhà nước, đề cương kiểm toán (nếu có), các quy trình kiểm toán liên quan, trọng yếu và trọng tâm kiểm toán, rủi ro kiểm toán, mục tiêu kiểm toán để xác định các nội dung kiểm toán chủ yếu làm cơ sở cho việc xác định các nội dung kiểm toán cụ thể tại KHKT tổng quát.
Thông thường nội dung kiểm toán như sau:
- Kiểm toán nguồn vốn đầu tư thực hiện.
- Kiểm toán chi phí đầu tư thực hiện.
- Kiểm toán tính tuân thủ chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước (chế độ tài chính, kế toán; chế độ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình).
- Kiểm toán đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý và thực hiện dự án.
3. Xác định tiêu chí kiểm toán
Tiêu chí kiểm toán được xác định cho từng cuộc kiểm toán phù hợp với mục đích, nội dung của cuộc kiểm toán, phù hợp với các dạng công việc là kiểm tra xác nhận hoặc kiểm tra đánh giá.
a) Đối với kiểm toán tài chính, việc xác định tiêu chí kiểm toán thực hiện với các nội dung phù hợp theo quy định tại các Đoạn 26 đến Đoạn 28 CMKTNN số 1300 – Lập Kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính.
b) Đối với kiểm toán tuân thủ (nguồn vốn đầu tư thực hiện; chi phí đầu tư thực hiện; tuân thủ chế độ, chính sách, pháp luật của Nhà nước …), việc xác định tiêu chí kiểm toán thực hiện với các nội dung phù hợp theo quy định tại các Đoạn 28 đến Đoạn 32 CMKTNN số 4000 – Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ.
c) Đối với kiểm toán hoạt động, việc xác định tiêu chí kiểm toán thực hiện với các nội dung phù hợp theo quy định tại các Đoạn 37 đến Đoạn 43 CMKTNN số 3000 – Hướng dẫn kiểm toán hoạt động.
Tùy từng dự án cụ thể, Đoàn kiểm toán có thể đánh giá một, hai hoặc cả ba nội dung tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả của dự án đầu tư. Thông thường đối với dự án đầu tư để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả cần dựa trên một số tiêu chí như sau:
- Tính kinh tế: Đánh giá việc thực hiện dự án có đảm bảo tiết kiệm hoặc lãng phí; mức độ tiết kiệm hoặc lãng phí trong từng nội dung và toàn dự án.
+ Số tiền lãng phí do đầu tư xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch; quy mô, cấp công trình và xác định nhu cầu chưa chính xác;
+ Chi phí đầu tư tăng lên không hợp lý do tổng mức đầu tư được lập không phù hợp với quy định, phương án sử dụng vật liệu xây dựng không hợp lý, giải pháp công nghệ không phù hợp;
+ Chi phí đầu tư tăng lên không hợp lý do sai sót trong công tác khảo sát (địa hình, địa chất, thủy văn, …) giai đoạn lập dự án và giai đoạn thực hiện dự án;
+ Chi phí tăng do thời gian lập và phê duyệt dự án kéo dài;
+ Chi phí tăng không hợp lý do phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư không phù hợp;
+ Chi phí tăng không hợp lý do quy mô, tiêu chuẩn, giải pháp, phương án sử dụng vật liệu, nội dung thiết kế (kiến trúc, kết cấu, hạ tầng, …) không phù hợp với thiết kế cơ sở của dự án đầu tư đã được phê duyệt;
+ Chi phí tăng không hợp lý do sai sót trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự toán;
+ Chi phí tăng không hợp lý do sai sót giá gói thầu, công tác chấm thầu ảnh hưởng đến kết quả trúng thầu trong công tác lựa chọn nhà thầu;
+ Chi phí tăng không hợp lý do sai sót trong công tác thương thảo, ký hợp đồng;
+ Chi phí tăng không hợp lý do sai sót trong công tác quản lý thực hiện hợp đồng về tiến độ, chất lượng công trình;
+ Chi phí tăng do sai sót trong công tác nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng hoàn thành.
- Tính hiệu lực: Đánh giá mức độ đạt được của các mục tiêu đã định và kết quả dự kiến của dự án.
Mức độ đạt được của từng mục tiêu cụ thể của dự án, công trình qua so sánh các mục tiêu thực tế đạt được của dự án (bao gồm các mục tiêu nội tại chính của dự án: về chi phí, chất lượng, thời gian thực hiện dự án; về công năng, công suất của dự án).
- Tính hiệu quả: Đánh giá kết quả đầu ra so với chi phí đã đầu tư hoặc mức độ sử dụng kinh phí đầu tư so với kết quả đầu ra cho trước; đánh giá hiệu quả xã hội của dự án.
+ Thông qua số liệu thống kê về mức độ tăng trưởng về kinh tế, xã hội đạt được sau khi đầu tư dự án để đánh giá về mức độ ảnh hưởng của dự án mang lại cho vùng dự án đến xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, cải thiện môi trường, tăng khả năng tiếp cận của người dân đến các dịch vụ y tế, trường học, dịch vụ tín dụng và khả năng tiếp cận các trung tâm chính trị, kinh tế, chuyển dịch kinh tế, cơ cấu ngành nghề sau khi có dự án;
+ Chi phí đầu tư lãng phí do công trình hoàn thành không phát huy được công năng sử dụng như thiết kế;
+ Điều kiện sinh sống của dân tái định cư ở nơi ở mới so với với nơi ở cũ;
+ Dự án chậm tiến độ dẫn đến chậm bàn giao đưa vào khai thác sử dụng;
+ Tính khả thi của việc đánh giá tác động môi trường và các yêu cầu về an ninh, quốc phòng; sự ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của cộng đồng dân cư khu vực có dự án;
+ Các vấn đề khác (nếu có).
4. Đối tượng, phạm vi, giới hạn và địa điểm kiểm toán
- Đối tượng kiểm toán: Hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án.
- Phạm vi kiểm toán
+ Thời kỳ được kiểm toán: xác định rõ khoảng thời gian từ khi bắt đầu cho tới khi kết thúc của dự án hay công trình xây dựng cơ bản hoặc đến thời điểm kiểm toán được xác định trong kế hoạch kiểm toán.
+ Đơn vị được kiểm toán: Cấp quyết định đầu tư, chủ đầu tư, đại diện chủ đầu tư (Ban QLDA), các đơn vị quản lý có liên quan.
+ Xác định công việc phải thực hiện theo từng nội dung kiểm toán.
+ Tiêu chí lựa chọn nội dung được kiểm toán,…
- Giới hạn kiểm toán: Nêu những nội dung không kiểm toán và lý do không thực hiện.
- Địa điểm kiểm toán: Tại đơn vị được kiểm toán hoặc trụ sở Kiểm toán nhà nước (nếu có điều kiện) theo phê duyệt của Tổng Kiểm toán nhà nước. Trường hợp đặc biệt trong quá trình kiểm toán cần có sự thay đổi địa điểm khác thích hợp, Trưởng đoàn kiểm toán đề xuất Thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán quyết định và chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán nhà nước đồng thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước.
5. Phương pháp và thủ tục kiểm toán
Ngoài các phương pháp được quy định tại Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước. Trong kiểm toán dự án đầu tư cần chú trọng áp dụng một số phương pháp kiểm toán sau:
- Thuê/lấy ý kiến chuyên gia, kiểm định chất lượng công trình, định giá tài sản, kiểm tra hiện trường..., phải nêu rõ phạm vi, nội dung sử dụng các phương pháp này.
- Kiểm tra, đối chiếu với bên thứ 3 (như với Ban QLDA, nhà thầu, doanh nghiệp, tổ chức kinh tế…), trong kế hoạch kiểm toán phải nêu rõ kiểm tra hay đối chiếu và phạm vi, nội dung kiểm tra hay đối chiếu.
- Và một số phương pháp kiểm toán nội dung trọng yếu có độ phức tạp cần trình bày cụ thể phương pháp, thủ tục kiểm toán cần áp dụng để thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán.
6. Nội dung khác của kế hoạch kiểm toán
Các quy định về: Thời hạn kiểm toán; bố trí nhân sự kiểm toán; kinh phí và các điều kiện vật chất cần thiết cho cuộc kiểm toán được thực hiện theo quy định tại Khoản 6, Khoản 7, Khoản 8 Điều 11 Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
Việc lập KHKT được thực hiện với các nội dung phù hợp với quy định tại Đoạn 11 đến Đoạn 35 CMKTNN số 1300 – Lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính, Đoạn 21 đến Đoạn 48 CMKTNN số 3000 – Hướng dẫn kiểm toán hoạt động, Đoạn 8 đến Đoạn 38 CMKTNN số 4000 – Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Lập Kế hoạch kiểm toán tổng quát trong chuẩn bị kiểm toán dự án đầu tư xây dựng công trình, được quy định tại Quyết định 02/2017/QĐ-KTNN. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật