Nguyên tắc xử lý và hoàn trả vốn tài sản lưới điện hạ áp nông thôn
Nguyên tắc xử lý và hoàn trả vốn tài sản lưới điện hạ áp nông thôn được hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch 32/2013/TTLT-BCT-BTC hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn, theo đó:
Điều 6. Nguyên tắc xử lý và hoàn trả vốn
Phần giá trị công trình LĐHANT bàn giao đã được xác định tại biên bản bàn giao và xác nhận từng nguồn vốn được xử lý theo nguyên tắc sau:
1. Đối với tài sản được đầu tư bằng nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước: thực hiện tăng tài sản, tăng vốn thuộc nguồn ngân sách nhà nước cho Bên nhận theo giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao và giảm tài sản, giảm vốn thuộc nguồn ngân sách nhà nước cho Bên giao theo giá trị sổ sách.
2. Đối với vốn của các tổ chức, cá nhân thì Bên nhận thực hiện hoàn trả theo giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao. Bên giao nếu là doanh nghiệp được hạch toán khoản chênh lệch giữa giá trị còn lại trên sổ sách kế toán với giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao vào doanh thu hoặc chi phí hoạt động kinh doanh khác.
3. Trường hợp LĐHANT bàn giao được đầu tư từ nguồn vốn vay hoặc từ các khoản phải trả khác có cam kết trả: nếu đủ hồ sơ quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 của Thông tư liên tịch này và được UBND cấp tỉnh/thành phố phê duyệt, Bên nhận thực hiện hoàn trả cho Bên giao số tiền vay còn nợ tổ chức tín dụng hoặc các đối tượng khác theo quy định trong hợp đồng vay hoặc khế ước vay nợ (mức tối đa không vượt quá giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao), đồng thời hạch toán tăng vốn kinh doanh thuộc nguồn Ngân sách nhà nước đối với số chênh lệch giữa giá trị tài sản thực nhận (sau khi đã đánh giá lại) với số tiền phải hoàn trả cho Bên giao (nếu có). Trường hợp giá trị còn lại thực tế của tài sản thấp hơn số dư nợ vay/nợ phải trả còn lại, Bên giao hạch toán vào chi phí hoạt động kinh doanh của đơn vị (nếu là doanh nghiệp) hoặc UBND tỉnh/thành phố cấp bù từ nguồn ngân sách địa phương (nếu công trình LĐHANT do UBND đầu tư) đối với phần giá trị chênh lệch để có nguồn trả nợ.
4. Trong trường hợp công trình được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, căn cứ vào giá trị và cơ cấu nguồn vốn đầu tư ban đầu, hai Bên xác định tỷ lệ tương ứng vốn của từng nguồn vốn trong tổng giá trị còn lại của công trình bàn giao tại Biên bản bàn giao và thực hiện xử lý, hoàn trả vốn theo hướng dẫn tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này.
5. Để được hoàn trả vốn theo hướng dẫn nêu trên, chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu công trình LĐHANT phải lập đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Thông tư liên tịch này. Hồ sơ để hoàn trả vốn tuyệt đối không được lập lại, sửa chữa, tẩy xóa các chứng từ, hồ sơ vay, nợ. Trong trường hợp không còn hoặc không đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 nêu trên, Bên giao và Bên nhận cần lập biên bản miêu tả hiện trạng cụ thể hồ sơ của tài sản bàn giao (đặc biệt là đối với hồ sơ vay vốn và huy động vốn của các tổ chức, cá nhân) thực hiện đánh giá giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao theo các phương pháp nêu tại Điều 4 của Thông tư liên tịch này, báo cáo Hội đồng định giá thẩm định để trình UBND tỉnh/thành phố xem xét quyết định.
6. Thời điểm xác định công trình LĐHANT bàn giao và hoàn trả vốn
a) Các công trình LĐHANT được bàn giao kể từ ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thực hiện việc giao nhận và hoàn trả vốn theo quy định tại Thông tư liên tịch này.
b) Các công trình LĐHANT đã thực hiện bàn giao trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực thực hiện theo nội dung tại Quyết định hoặc Biên bản bàn giao. Đối với trường hợp Bên giao và Bên nhận có thỏa thuận tại Biên bản hoặc Quyết định bàn giao về việc hoàn trả vốn khi có hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền thì thực hiện việc hoàn trả vốn theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.
c) Đối với các công trình LĐHANT đã thực hiện bàn giao và hoàn thiện hồ sơ giao nhận trước ngày Thông tư liên tịch này có hiệu lực nhưng chưa có Quyết định phê duyệt giá trị tài sản bàn giao và hoàn trả vốn của cơ quan có thẩm quyền thì không phải lập lại hồ sơ giao nhận. Căn cứ vào hồ sơ giao nhận đã được lập, Bên giao và Bên nhận trình UBND cấp tỉnh/thành phố phê duyệt giá trị còn lại của tài sản bàn giao và thực hiện hoàn trả vốn theo quy định tại Thông tư liên tịch này.
d) Đối với các công trình LĐHANT đầu tư sau ngày có Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12 tháng 2 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về giá bán điện năm 2009 và các năm 2010 - 2012 theo cơ chế thị trường do các địa phương tự bố trí vốn để đầu tư, theo mục tiêu của địa phương, sau đó có nhu cầu bàn giao tài sản LĐHANT cho ngành điện quản lý, chủ đầu tư có trách nhiệm thỏa thuận bằng văn bản về việc giao nhận và hoàn trả vốn tài sản bàn giao với Tổng công ty Điện lực hoặc Công ty Điện lực được Tổng công ty Điện lực ủy quyền trước khi có quyết định đầu tư.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Nguyên tắc xử lý và hoàn trả vốn tài sản lưới điện hạ áp nông thôn, được quy định tại Thông tư liên tịch 32/2013/TTLT-BCT-BTC . Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật