Phương pháp xác định giá trị còn lại của tài sản lưới điện hạ áp nông thôn bàn giao
Phương pháp xác định giá trị còn lại của tài sản lưới điện hạ áp nông thôn bàn giao được hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư liên tịch 32/2013/TTLT-BCT-BTC hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn, theo đó:
Điều 4. Phương pháp xác định giá trị còn lại của tài sản bàn giao
Căn cứ vào tình hình thực tế về quản lý tài sản LĐHANT của Bên giao, giá trị còn lại của tài sản LĐHANT bàn giao được xác định theo một trong các phương pháp sau:
1.Phương pháp đánh giá theo sổ kế toán: áp dụng đối với những tài sản được quản lý và trích khấu hao theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Giá trị còn lại của tài sản
=
Nguyên giá tài sản trên sổ kế toán
-
Giá trị hao mòn lũy kế tài sản trên sổ kế toán
2. Phương pháp đánh giá theo giá trị thực tế: áp dụng đối với những tài sản đã đưa vào quản lý sử dụng, nhưng không thực hiện theo dõi và trích khấu hao theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Giá trị còn lại của tài sản bàn giao được xác định trên cơ sở chất lượng thực tế của tài sản bàn giao, cụ thể như sau:
Giá trị còn lại của tài sản
=
Số lượng thực tế của tài sản
x
Đơn giá của từng tài sản
x
Tỷ lệ chất lượng còn lại của từng tài sản (%)
Trong đó:
a) Số lượng thực tế của tài sản được xác định trên cơ sở số liệu kiểm kê thực tế của LĐHANT bàn giao;
b) Đơn giá của từng tài sản: được lấy theo đơn giá quy định tại thời điểm bàn giao của từng địa phương (do cấp tỉnh quy định) hoặc theo bộ đơn giá chuyên ngành điện;
c) Chất lượng còn lại của từng tài sản do Bên giao, Bên nhận xác định trên cơ sở chất lượng thực tế của tài sản.
3. Phương pháp đánh giá đối với tài sản LĐHANT mới đầu tư: Đối với công trình mới hoàn thành đầu tư xây dựng trong vòng 3 năm tính từ khi công trình hoàn thành đến khi có quyết định bàn giao: giá trị tài sản bàn giao được xác định căn cứ vào giá trị quyết toán công trình (hoặc quyết toán hạng mục công trình) được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp công trình hoàn thành chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt quyết toán nhưng đã đưa vào sử dụng thì tại thời điểm giao nhận, giá trị tài sản bàn giao được tạm tính bằng tổng giá trị trúng thầu xây lắp và thiết bị được duyệt để làm cơ sở cho Hội đồng định giá tài sản trình UBND tỉnh/thành phố có Quyết định giá trị của tài sản tạm bàn giao cho Bên nhận. Giá trị tài sản LĐHANT bàn giao chính thức sẽ được điều chỉnh sau khi công trình có quyết toán được cấp thẩm quyền phê duyệt.
4. Trường hợp Bên giao và Bên nhận không thống nhất được tỷ lệ chất lượng còn lại của tài sản bàn giao thì hai Bên thống nhất lựa chọn và ký hợp đồng thuê các tổ chức định giá được Bộ Tài chính công bố hàng năm để xác định giá trị tài sản còn lại của tài sản LĐHANT để làm cơ sở giao nhận. Nếu hai Bên không thống nhất được việc lựa chọn các tổ chức định giá để xác định giá trị còn lại của tài sản bàn giao thì Bên giao có trách nhiệm trình UBND cấp tỉnh/ thành phố xem xét, quyết định lựa chọn tổ chức định giá để xác định giá trị còn lại của tài sản LĐHANT bàn giao. Trong trường hợp chi phí thuê tổ chức định giá lớn hơn giá trị còn lại theo sổ sách kế toán của tài sản bàn giao thì Hội đồng định giá trình UBND cấp tỉnh/thành phố quyết định giá trị còn lại của tài sản bàn giao. Các tổ chức định giá chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của kết quả định giá theo quy định của pháp luật. Căn cứ kết quả định giá của tổ chức định giá nêu trên, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Công Thương thẩm tra, báo cáo UBND tỉnh/thành phố phê duyệt. Chi phí thuê tổ chức định giá do Bên giao, Bên nhận cùng chịu trách nhiệm chi trả theo tỷ lệ bằng nhau.
5. Đối với những tài sản LĐHANT được đầu tư không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định hiện hành như: đường dây hạ áp xây dựng bằng những cột tự tạo; công tơ điện không đúng quy định về mẫu mã, về thời hạn và chất lượng sử dụng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; các tài sản đánh giá lại có tỷ lệ chất lượng còn lại thấp hơn 20% thì trước mắt Bên giao có trách nhiệm thực hiện bàn giao nguyên trạng số tài sản này cho Bên nhận để tạm thời duy trì việc cấp điện cho dân. Sau khi tiếp nhận, Bên nhận phải có kế hoạch bố trí vốn để nâng cấp, thay thế đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định để việc vận hành công trình điện được an toàn và có hiệu quả. Đồng thời Bên nhận có trách nhiệm phối hợp với Bên giao thu hồi tài sản không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, tài sản có tỷ lệ chất lượng còn lại dưới 20% để trả lại cho Bên giao (Bên nhận không tăng vốn hoặc hoàn trả vốn đối với số tài sản này). Trong trường hợp đến thời điểm Bên nhận trả lại tài sản thu hồi cho Bên giao nhưng đơn vị Bên giao không còn tồn tại thì các tài sản này sẽ được trả lại cho đơn vị do UBND tỉnh/thành phố chỉ định. Đối với những công tơ điện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mẫu mã và còn thời gian sử dụng, sau khi thẩm định và hiệu chỉnh lại đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thì hai Bên thỏa thuận trên cơ sở thống nhất chất lượng còn lại và giá cả thị trường đối với loại tài sản đó.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Phương pháp xác định giá trị còn lại của tài sản lưới điện hạ áp nông thôn bàn giao, được quy định tại Thông tư liên tịch 32/2013/TTLT-BCT-BTC . Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật