Hồ sơ, thủ tục khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng
Hồ sơ, thủ tục khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng được hướng dẫn tại Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2015/TTLT-TTCP-BNV quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, theo đó:
Điều 7. Hồ sơ, thủ tục khen thưởng
1. Hồ sơ, thủ tục khen thưởng thực hiện theo quy định về hồ sơ, thủ tục đơn giản tại các khoản 1, 2 Điều 61 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ và Khoản 20 Điều 1 Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ.
2. Hồ sơ đề nghị khen thưởng đối với Huân chương Dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được lập thành 03 bộ (bản chính). Mỗi bộ gồm có các tài liệu sau:
a) Tờ trình của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương;
b) Báo cáo tóm tắt thành tích của cá nhân được đề nghị khen thưởng do cơ quan, đơn vị quản lý trực tiếp người có thành tích hoặc cơ quan giải quyết tố cáo, thu hồi tài sản lập, hoặc do cá nhân có thành tích tự viết, trong đó ghi rõ hành động, thành tích, công trạng đề nghị khen thưởng;
3. Hồ sơ đề nghị khen thưởng đối với Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương theo thủ tục đơn giản được lập 01 bộ (bản chính), gồm có các tài liệu sau:
a) Tờ trình của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương;
b) Báo cáo tóm tắt thành tích do cơ quan trình khen thưởng, hoặc cơ quan giải quyết tố cáo, thu hồi tài sản hoặc cá nhân có thành tích tự viết, trong đó ghi rõ hành động, thành tích, công trạng đề nghị khen thưởng.
4. Người có thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đã trực tiếp thu hồi tài sản tham nhũng có trách nhiệm xem xét, khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng ngay sau khi cá nhân có đủ tiêu chuẩn khen thưởng quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch này.
5. Cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch này có quyền chủ động lập báo cáo thành tích gửi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc người giải quyết tố cáo để đề nghị việc khen thưởng đối với mình. Trường hợp người có thành tích đã chết thì gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, người đại diện hợp pháp của người có thành tích có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét việc khen thưởng đối với người đó. Cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận được đề nghị khen thưởng có trách nhiệm xem xét việc khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng. Trường hợp không đủ tiêu chuẩn khen thưởng thì cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản cho cá nhân, tổ chức đã đề nghị khen thưởng biết và nêu rõ lý do không khen thưởng.
6. Hồ sơ đề nghị Thanh tra Chính phủ chi thưởng theo quy định tại Khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch này do cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương đã khen thưởng hoặc đã trình khen thưởng lập, bao gồm:
a) Văn bản đề nghị chi thưởng (bản chính).
Trong trường hợp đề nghị áp dụng mức thưởng theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch này thì trong văn bản này phải xác nhận cụ thể số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được cho Nhà nước do thành tích của cá nhân được khen thưởng; sao gửi kèm theo giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước hoặc các tài liệu, chứng từ hợp pháp khác có xác định cụ thể số tiền, giá trị tài sản đã thực thu cho ngân sách nhà nước.
b) Quyết định khen thưởng (bản sao) và hồ sơ xét khen thưởng (bản sao).
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Hồ sơ, thủ tục khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng, được quy định tại Thông tư liên tịch 01/2015/TTLT-TTCP-BNV. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật