Thiết kế thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào?

Thiết kế thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Hiện tôi đang muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về thực hiện đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Vì vậy, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Thiết kế thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Ngọc Anh (anh***@gmail.com)

Thiết kế thi công dự án ứng dụng công nghệ thông tin được quy định tại Điều 35 Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước như sau:

1. Chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán. Việc thẩm định, phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán chỉ thực hiện một bước, không tách riêng thiết kế thi công với tổng dự toán. Riêng các dự án do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định đầu tư theo thẩm quyền được Ủy ban nhân dân cấp trên giao, Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định, phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán.

Tùy Điều kiện cụ thể của dự án, Chủ đầu tư có thể ký kết hợp đồng với các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực để lập, tư vấn thẩm định thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán. Tuỳ theo yêu cầu của Chủ đầu tư, việc tư vấn thẩm định thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán có thể thực hiện đối với toàn bộ hoặc một phần các nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 37 Nghị định này.

Chi phí lập, tư vấn thẩm định thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán được tính vào chi phí tư vấn đầu tư trong tổng mức đầu tư, tổng dự toán của dự án.

Hồ sơ thiết kế thi công được phê duyệt là cơ sở để Chủ đầu tư quản lý chất lượng, tiến độ thi công, biện pháp thi công và quản lý đầu tư dự án.

Trường hợp thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán, hoặc kết quả tư vấn thẩm định thực hiện đúng hợp đồng nhưng không đáp ứng được Mục tiêu đề ra của Chủ đầu tư thì Chủ đầu tư vẫn phải thanh toán phần đã nghiệm thu theo hợp đồng.

2. Thiết kế thi công phải phù hợp với thiết kế sơ bộ trong dự án được duyệt. Trong quá trình thiết kế, có thể sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố để triển khai lập thiết kế thi công.

Trường hợp Điều chỉnh dự án dẫn tới phải Điều chỉnh thiết kế thi công và tổng dự toán, các nội dung Điều chỉnh phải được phê duyệt lại.

3. Tài liệu làm căn cứ để thiết kế thi công:

a) Tài liệu khảo sát quy trình nghiệp vụ cần tin học hóa, xác định yêu cầu người sử dụng, yêu cầu về lắp đặt, cài đặt thiết bị và các văn bản có liên quan;

b) Quyết định phê duyệt dự án đầu tư và nội dung thiết kế sơ bộ trong dự án được duyệt;

c) Danh Mục tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin được áp dụng;

d) Báo cáo kết quả khảo sát bổ sung phục vụ lắp đặt, cài đặt, đấu nối thiết bị, đi dây cho mạng, các kết quả khảo sát bổ sung về quy trình nghiệp vụ cần tin học hóa, các yêu cầu của người sử dụng, và các yêu cầu khác (nếu cần thiết).

4. Nội dung hồ sơ thiết kế thi công:

a) Đối với xây lắp mạng, lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin và các phụ kiện:

- Các chỉ tiêu kỹ thuật áp dụng trong triển khai lắp đặt, cài đặt, kiểm tra và hiệu chỉnh thiết bị;

- Danh Mục thiết bị lắp đặt, cài đặt và các thông số kỹ thuật của thiết bị;

- Thống kê khối lượng công tác xây lắp, vật liệu, vật tư, thiết bị của các hạng Mục đầu tư chính và phụ;

- Chỉ dẫn biện pháp thi công (đối với trường hợp thi công phức tạp);

- Sơ đồ mặt bằng hiện trạng;

- Sơ đồ và thuyết minh giải pháp thiết kế mạng, bảo mật, an toàn dữ liệu, cấp điện, chống sét;

- Sơ đồ lắp đặt thiết bị: vị trí, khoảng cách, cao độ lắp đặt; các vị trí đấu nối; thống kê vật liệu, vật tư phục vụ lắp đặt, cài đặt thiết bị;

- Sơ đồ xây lắp mạng: đi dây, lắp đặt máng cáp bảo vệ, chống sét lan truyền, sử dụng vật tư, vật liệu trong lắp đặt mạng, liên kết giữa các phân hệ mạng với nhau và kết nối ra hệ thống bên ngoài với các kích thước và vật liệu chủ yếu;

- Đối với mạng xây lắp theo tuyến: thể hiện phương án tuyến, góc đổi hướng tuyến, cao độ và tọa độ lắp đặt, sự giao cắt chính trên tuyến, hành lang bảo vệ tuyến với các kích thước và vật liệu chủ yếu;

b) Đối với thiết bị đặc biệt là phần mềm nội bộ:

- Nội dung mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng của thiết bị đặc biệt là phần mềm nội bộ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư;

- Bảng mô tả bằng lời của từng trường hợp sử dụng trong Biểu đồ về các trường hợp sử dụng;

- Biểu đồ hoạt động của từng trường hợp sử dụng;

- Yêu cầu về việc đào tạo, chuyển giao công nghệ; yêu cầu về bảo hành, bảo trì (nếu có);

- Yêu cầu về mức độ chịu đựng sai hỏng đối với các lỗi cú pháp lập trình, lỗi xử lôgic trong xử lý dữ liệu, lỗi kiểm soát tính đúng đắn của dữ liệu đầu vào, yêu cầu về bảo mật, an toàn dữ liệu;

c) Tổng dự toán được lập theo quy định tại Điều 36 Nghị định này.

5. Mỗi thiết kế thi công phải có người chủ trì thiết kế thi công (trường hợp công tác thiết kế thi công do cá nhân thực hiện thì cá nhân đó đóng vai trò là chủ trì thiết kế thi công).

Người chủ trì thiết kế thi công chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và trước pháp Luật về chất lượng sản phẩm thiết kế và kết quả tính toán (bao gồm cả tính chính xác của tiên lượng, dự toán) và phải bồi thường thiệt hại khi sử dụng thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, giải pháp công nghệ thông tin không phù hợp gây ảnh hưởng đến chất lượng của hạng Mục đầu tư, của cả dự án và các hành vi vi phạm khác gây ra thiệt hại.

6. Tổ chức, cá nhân thiết kế thi công phải thực hiện công tác giám sát tác giả trong suốt quá trình thi công và nghiệm thu sản phẩm của dự án; Đối với thi công thi công xây lắp, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, giám sát tác giả được thực hiện tại hiện trường thi công.

Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân thiết kế thi công mượn danh nghĩa của các tổ chức, cá nhân thiết kế thi công khác dưới bất kỳ hình thức nào.

7. Tổ chức, cá nhân thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán phải bàn giao cho Chủ đầu tư hồ sơ thiết kế thi công với số lượng đủ đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý đầu tư và lưu trữ nhưng không ít hơn 8 bộ hồ sơ.

8. Hồ sơ thiết kế thi công được duyệt phải được lưu trữ theo quy định của pháp Luật về lưu trữ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thiết kế thi công án ứng dụng công nghệ thông tin. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 102/2009/NĐ-CP.

Trân trọng! 

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào