Kiểm tra chất lượng công trình xây dựng
Căn cứ vào qui định tại Nghị định 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Nghị định 15) và Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/07/2013 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về Qui định chi tiết về quản lý chất lượng công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Thông tư số 10).
1. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có trách nhiệm mời Sở Xây dựng tham gia kiểm tra lần cuối công tác nghiệm thu các công trình xây dựng chuyên ngành theo qui định. Tuy nhiên, khi kiểm tra chất lượng công trình theo kế hoạch (không phải kiểm tra lần cuối) thì Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành không bắt buộc phải mời.
2. Kế hoạch và nội dung kiểm tra chất lượng xây dựng công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng được thực hiện theo qui định tại điều 24 của Thông tư số 10. Khi phát hiện vi phạm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trong quá trình kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm:
a) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan khắc phục các vi phạm;
b) Đề xuất xử lý vi phạm theo qui định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng gửi cơ quan Thanh tra xây dựng bao gồm Thanh tra Bộ Xây dựng và Thanh tra Sở Xây dựng nơi xây dựng công trình. Cơ quan thanh tra xây dựng xử lý theo qui định của pháp luật và thông báo kết quả xử lý tới cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng;
c) Công bố tên và hành vi vi phạm của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng, Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Sở Xây dựng nơi xây dựng công trình.
3. Cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thẩm tra đối với các công trình quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định 15. Đối với các trường hợp còn lại, chủ đầu tư hoặc đơn vị được chủ đầu tư giao quản lý thực hiện dự án nếu có đủ năng lực trong lĩnh vực thiết kế, thẩm tra thiết kế theo qui định thì có thể được thực hiện nhiệm vụ thiết kế và thẩm tra thiết kế; tuy nhiên công tác thiết kế và thẩm tra thiết kế phải do 02 bộ phận trực thuộc độc lập thực hiện để đảm bảo tính khách quan./.
Thư Viện Pháp Luật