Tổ chức tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Tổ chức tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được quy định tại Điều 7 Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước như sau:
1. Tổ chức tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin là tổ chức nghề nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh (hoặc quyết định thành lập đối với cơ sở không có đăng ký kinh doanh) phù hợp, hoạt động tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của pháp Luật.
2. Nội dung hoạt động tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin:
a) Cung cấp thông tin về văn bản quy phạm pháp Luật, cơ chế chính sách đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; khảo sát, lập, quản lý dự án ứng dụng công nghệ thông tin; thiết kế sơ bộ, thiết kế thi công; soạn thảo hồ sơ mời thầu; giám sát; lựa chọn nhà thầu; tư vấn ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện các dịch vụ công nghệ thông tin khác có liên quan;
b) Tổ chức tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin này có thể ký hợp đồng lại với các tổ chức tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin khác để thực hiện một phần nhiệm vụ của công tác tư vấn đầu tư nếu được Chủ đầu tư chấp thuận.
3. Trách nhiệm của các tổ chức hoạt động tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin:
a) Khi hoạt động kinh doanh phải đảm bảo các Điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này và quy định tại các văn bản pháp Luật liên quan;
b) Chịu trách nhiệm trước pháp Luật và Chủ đầu tư về các nội dung đã cam kết trong hợp đồng, đặc biệt là các nội dung kinh tế - kỹ thuật được xác định trong sản phẩm tư vấn của mình và phải bồi thường thiệt hại gây ra (nếu có);
c) Trường hợp hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin có yêu cầu phải thuê tư vấn nước ngoài, tổ chức, cá nhân tư vấn trong nước được phép liên danh, liên kết hoặc thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài trong hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin;
d) Trong các sản phẩm tư vấn, nghiêm cấm chỉ định sử dụng các loại vật liệu hay vật tư kỹ thuật, thiết bị của một nơi sản xuất, cung ứng cụ thể, và không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ của nhà sản xuất;
Trường hợp đặc biệt cần thiết phải nêu nhãn hiệu, catalô của một nhà sản xuất nào đó, hoặc vật tư kỹ thuật, thiết bị từ một nước nào đó để tham khảo, minh họa cho yêu cầu kỹ thuật của các loại vật liệu hay vật tư kỹ thuật, thiết bị thì phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô hoặc xuất xứ nêu ra và quy định rõ khái niệm tương đương nghĩa là có đặc tính kỹ thuật tương tự, có tính năng sử dụng tương đương.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về tổ chức tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 102/2009/NĐ-CP.
Trân trọng!