Xây dựng báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra chuyên ngành Ngân hàng
Xây dựng báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra chuyên ngành Ngân hàng được hướng dẫn tại Điều 22 Thông tư 36/2016/TT-NHNN quy định về trình tự, thủ tục thanh tra chuyên ngành Ngân hàng, theo đó:
Điều 22. Xây dựng báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra
1. Căn cứ để xây dựng báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra gồm:
a) Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của thành viên Đoàn thanh tra;
b) Báo cáo kết quả thanh tra của các Tổ thanh tra, Nhóm thanh tra (nếu có);
c) Biên bản làm việc với đối tượng thanh tra;
d) Biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra (nếu có);
đ) Ý kiến giải trình bằng văn bản của đối tượng thanh tra (nếu có);
e) Hồ sơ do Đoàn thanh tra thu thập trong quá trình thanh tra;
g) Hồ sơ, tài liệu khác (nếu có).
2. Nội dung báo cáo kết quả thanh tra phải có các nội dung sau:
a) Khái quát về đối tượng thanh tra;
b) Tóm tắt tình hình tài chính;
c) Kết quả kiểm tra, xác minh: Trình bày chi tiết kết quả kiểm tra, xác minh thực tế đối với từng nội dung thanh tra, nêu rõ các quy định pháp luật làm căn cứ để xác định hành vi vi phạm pháp luật, tính chất, mức độ vi phạm (nếu có);
d) Kết luận: Đánh giá tình hình hoạt động của đối tượng thanh tra; kết luận về từng nội dung thanh tra; tổng hợp các vi phạm quy định của pháp luật, hậu quả, nguyên nhân, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với từng vi phạm (nếu có); đánh giá, nhận xét về việc vi phạm của các đối tượng có liên quan (nếu có); đánh giá mức độ rủi ro, năng lực quản trị rủi ro, các rủi ro tiềm ẩn và hiệu quả hệ thống quản trị điều hành, hệ thống kiểm toán, kiểm soát nội bộ, hệ thống quản trị rủi ro của đối tượng thanh tra, kết luận khác (nếu có);
đ) Kiến nghị: kiến nghị biện pháp xử lý đối với các vi phạm phát hiện qua thanh tra (nếu có); kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tiền tệ và ngân hàng (nếu có); kiến nghị, yêu cầu đối tượng thanh tra có biện pháp hạn chế, giảm thiểu và xử lý rủi ro để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và phòng ngừa, ngăn chặn hành vi dẫn đến vi phạm pháp luật (nếu có); kiến nghị xử lý khác (nếu có);
e) Ý kiến khác nhau giữa các thành viên Đoàn thanh tra (nếu có);
g) Vướng mắc trong quá trình thanh tra và đề xuất, kiến nghị (nếu có).
3. Trưởng đoàn thanh tra lấy ý kiến tham gia bằng văn bản của các thành viên Đoàn thanh tra đối với dự thảo báo cáo kết quả thanh tra và hoàn chỉnh báo cáo kết quả thanh tra. Trong trường hợp các thành viên Đoàn thanh tra có ý kiến khác nhau về nội dung của dự thảo thì Trưởng đoàn thanh tra báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.
4. Trong quá trình xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, khi cần thiết, Trưởng đoàn thanh tra tham khảo ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để đảm bảo cho việc kết luận, kiến nghị xử lý được chính xác, khách quan.
5. Trường hợp đề xuất chuyển vụ việc sang cơ quan điều tra, Trưởng đoàn thanh tra phải tổ chức họp để các thành viên trong Đoàn thanh tra tham gia đánh giá chứng cứ đối với từng nội dung kết luận, kiến nghị, đề xuất và phải được lập thành biên bản họp.
6. Chậm nhất 25 ngày, kể từ ngày kết thúc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra phải có báo cáo kết quả thanh tra kèm theo văn bản về ý kiến khác nhau của thành viên Đoàn thanh tra đối với báo cáo kết quả thanh tra (nếu có) và biên bản làm việc, biên bản về việc vi phạm của đối tượng thanh tra (nếu có), ý kiến giải trình bằng văn bản của đối tượng thanh tra (nếu có); hồ sơ, tài liệu khác (nếu có) gửi người ra quyết định thanh tra, trừ trường hợp nội dung kết luận thanh tra phải chờ kết luận về chuyên môn của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
7. Trưởng đoàn thanh tra ký báo cáo kết quả thanh tra.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Xây dựng báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra chuyên ngành Ngân hàng, được quy định tại Thông tư 36/2016/TT-NHNN. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật