Tổ chức, thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐTS trình độ cao đẳng

Tổ chức, thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐTS trình độ cao đẳng được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi có một thắc mắc mong được ban biên tập giúp đỡ. Tổ chức, thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐTS trình độ cao đẳng được quy định như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật! Hoàng Nguyên (nguyen****@gmail.com)

Tổ chức, thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐTS trình độ cao đẳng được quy định tại Điều 6 Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH Quy định quy chế tuyển sinh và xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng (có hiệu lực từ ngày 15/04/2017) như sau:

1. Hiệu trưởng trường ra quyết định thành lập Hội đồng tuyển sinh (viết tắt là HĐTS) để điều hành các công việc liên quan đến công tác tuyển sinh.

2. Thành phần của HĐTS của trường gồm:

a) Chủ tịch: Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng;

b) Phó Chủ tịch: Phó Hiệu trưởng hoặc Trưởng phòng đào tạo;

c) Ủy viên thường trực: Trưởng phòng hoặc Phó Trưởng phòng đào tạo (hoặc Phòng Khảo thí, Đơn vị phụ trách tuyển sinh theo quyết định của Hiệu trưởng);

d) Các ủy viên: Một số Trưởng phòng, Trưởng khoa, Trưởng bộ môn, giáo viên - giảng viên và cán bộ công nghệ thông tin do Hiệu trưởng quyết định.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của HĐTS:

a) Tổ chức triển khai các phương án tuyển sinh đã lựa chọn;

b) Giải quyết thắc mắc và khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác tuyển sinh;

c) Thu và sử dụng lệ phí tuyển sinh theo quy định;

d) Tổng kết công tác tuyển sinh; quyết định khen thưởng, kỷ luật theo quy định;

đ) Tổ chức thực hiện phần mềm tuyển sinh thống nhất của trường; báo cáo kịp thời kết quả công tác tuyển sinh cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch HĐTS:

a) Tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh của trường; báo cáo Hiệu trưởng tình hình thực hiện và kết quả công tác tuyển sinh của trường sau mỗi lần tuyển sinh;

b) Báo cáo với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác tuyển sinh của trường;

c) Thành lập các ban giúp việc cho HĐTS trường để triển khai công tác tuyển sinh, gồm:

- Ban Thư ký; Ban Phúc tra; Ban Đề thi, Ban Coi thi, Ban Chấm thi (Ban chuyên môn), tùy thuộc vào phương thức tuyển sinh của từng trường;

- Các Ban khác (nếu có) do Chủ tịch HĐTS quy định trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS.

Cơ cấu, số lượng, thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với các ban giúp việc của HĐTS do Chủ tịch HĐTS trường quy định trên cơ sở ý kiến của các thành viên HĐTS. Các Ban chuyên môn của trường được thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Quy chế tuyển sinh do Hiệu trưởng ban hành và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường.

5. Phó Chủ tịch HĐTS trường thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch HĐTS phân công và thay mặt Chủ tịch HĐTS giải quyết công việc khi Chủ tịch HĐTS ủy quyền.

Trên đây là quy định về Tổ chức, thành phần, nhiệm vụ và quyền hạn của HĐTS trình độ cao đẳng. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 05/2017/TT-BLĐTBXH.

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Trình độ cao đẳng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào