Luật quy tài sản trộm cắp ra tiền đồng làm căn cứ truy tố
Trong các vụ án về trộm cắp tài sản, tài sản bị trộm cắp rất đa dạng, có thể là tiền, vàng, trang sức, đồ vật, phương tiện… Do vậy luật pháp không thể quy định cụ thể, chi tiết trộm cắp cái gì thì chịu hình phạt bao nhiêu.
Pháp luật cũng không thể quy định bị cáo trộm cái gì phải bồi thường cái đó cho người bị hại (chủ tài sản) do nhiều trường hợp tài sản trộm cắp là vật đặc định, đơn chiếc.
Vì lẽ đó, Bộ luật Hình sự quy định về tội trộm cắp tài sản theo hướng tài sản bị trộm cắp được định giá quy ra tiền đồng để làm căn cứ truy tố, xét xử bị can, bị cáo và bị cáo có nghĩa vụ bồi thường cho bị hại số tiền tương đương giá trị tài sản mà bị cáo chiếm đoạt.
Cụ thể, điều 138 Bộ luật Hình sự về tội Trộm cắp tài sản, người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”
Do việc truy tố, xét xử các vụ án trộm cắp tài sản dựa trên kết quả định giá nên việc định giá phải được thực hiện một cách trung thực, khách quan, công khai và kịp thời.
Về thời điểm định giá giá trị tài sản bị trộm cắp, theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 2/3/2005 về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, việc định giá tài sản phải dựa trên các căn cứ sau đây:
- Giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm;
- Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
- Giá trên tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá, nếu có;
- Giá trị thực tế của tài sản cần định giá;
- Các căn cứ khác về giá trị của tài sản cần định giá.
Như vậy, việc định giá phải tuân theo nguyên tắc hành vi trộm cắp được thực hiện vào thời điểm nào thì tài sản trộm cắp phải được định giá theo thời điểm đó. Nếu định giá theo thời điểm bị can bị bắt hoặc theo thời điểm xét xử, rất có thể do sự trượt giá mà hành vi thực hiện tội phạm của bị cáo có thể bị xử nhẹ hơn hoặc nặng hơn so với thời điểm phạm tội.
Từ các quy định mà chúng tôi vừa viện dẫn và phân tích thì việc tòa án tuyên bị cáo phải bồi thường cho bạn số tiền tương đương 10 cây vàng theo giá trị thời điểm mất trộm là phù hợp với các quy định của pháp luật về hình sự.
Thư Viện Pháp Luật