Tổ chức thực hiện Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động
Tổ chức thực hiện Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động được hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 02/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (Có hiệu lực từ 06/04/2017), theo đó:
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Hướng dẫn triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trên phạm vi toàn quốc.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam và các bộ, ngành liên quan để thống nhất về kế hoạch, lựa chọn địa phương trọng điểm, chủ đề, nội dung, hình thức tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và một số hoạt động trọng điểm khác mang tính chất quốc gia theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này.
c) Xây dựng các thông điệp, khẩu hiệu, tài liệu truyền thông mẫu trong Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, phát hành tới các địa phương, cơ sở sản xuất kinh doanh, đăng tải mẫu trên website của Cục An toàn lao động tại địa chỉ: http://www.antoanlaodong.gov.vn và cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội tại địa chỉ: http://www.molisa.gov.vn; phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng về chủ đề, nội dung các hoạt động của Tháng hành động.
d) Tổng hợp kết quả tổ chức Tháng hành động của các Bộ, ngành, địa phương trên cả nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
2. Các bộ, ngành, cơ quan liên quan
a) Các Bộ, ngành, cơ quan liên quan xây dựng, ban hành kế hoạch và tổ chức các hoạt động phù hợp, thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động của quốc gia; hướng dẫn các đơn vị, cơ sở theo phạm vi quản lý triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động; tổng kết, đánh giá kết quả tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động.
b) Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động của quốc gia; xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức và hướng dẫn các đơn vị, cơ sở theo phạm vi quản lý triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động; tổng kết, đánh giá kết quả tổ chức Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động.
3. Ủy ban nhân dân các cấp
a) Xây dựng, ban hành kế hoạch và hướng dẫn triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động hàng năm của địa phương.
b) Chỉ đạo và phân công trách nhiệm cụ thể cho các sở, ban, ngành có liên quan tại địa phương triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn tới các cấp quận, huyện, xã; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc tổ chức, thực hiện ở các đơn vị, cơ sở thuộc phạm vi quản lý.
c) Bố trí kinh phí tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động thiết thực, phù hợp với điều kiện của địa phương theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 4 của Thông tư này, trong đó cần tập trung ưu tiên để giải quyết những vấn đề trọng tâm, tồn tại trong công tác an toàn, vệ sinh lao động ở địa phương.
d) Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với chủ đề phát động của Tháng hành động và điều kiện của địa phương, ưu tiên các đối tượng là người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại địa phương; treo dán, phát hành các tờ rơi, pano, tài liệu, các hướng dẫn cụ thể về quy trình làm việc an toàn cho người lao động tại các nơi công cộng.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện
a) Chủ trì, phối hợp với Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân trong công tác chỉ đạo, ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương.
b) Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức các hoạt động phù hợp, thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương.
c) Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu hướng dẫn truyền thông trong Tháng hành động, phát hành tới các cơ sở sản xuất kinh doanh, người lao động, trong trong khu vực không có quan hệ lao động.
d) Tổng hợp, báo cáo kết quả triển khai Tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động của địa phương.
5. Các Tập đoàn, Tổng công ty, các cơ sở sản xuất kinh doanh
a) Căn cứ vào các nội dung hoạt động quy định tại khoản 2 Điều 4 của Thông tư xây dựng kế hoạch, nội dung hoạt động và dự toán kinh phí chi tiết triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh của đơn vị.
b) Chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị thành viên tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động.
c) Tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và báo cáo kết quả triển khai Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động với các cơ quan có thẩm quyền quản lý.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Tổ chức thực hiện Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, được quy định tại Thông tư 02/2017/TT-BLĐTBXH. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật