Doanh thu đối với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) quy định thế nào?
Doanh thu đối với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được quy định tại Điều 6 Thông tư 01/2017/TT-BTC hướng dẫn chế độ tài chính đối với Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:
1. Nội dung doanh thu của VAMC thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định 53/2013/NĐ-CP,khoản 13 Điều 1 Nghị định số 34/2015/NĐ-CP, Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 18/2016/NĐ-CP.
2. Đối với khoản thu theo quy định tại Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 18/2016/NĐ-CP, VAMC thực hiện như sau:
2.1 Khoản thu của VAMC tính trên số dư nợ gốc còn lại cuối kỳ của khoản nợ được mua bằng trái phiếu đặc biệt
a) Hàng năm, VAMC hạch toán vào doanh thu một khoản tiền tính trên số dư nợ gốc còn lại cuối kỳ của khoản nợ đang hạch toán nội bảng trên bảng cân đối kế toán của VAMC theo tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.
b) Số dư còn lại cuối kỳ của khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt là giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu tại VAMC vào thời điểm 31/12 của năm xác định khoản thu, hoặc tại ngày trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
2.2 Khoản thu của VAMC từ số tiền thu hồi khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt
a) VAMC hạch toán vào doanh thu một khoản tiền tính trên số tiền thu hồi khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt theo tỷ lệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, trừ đi số tiền VAMC đã thu hàng năm tính trên số dư nợ gốc còn lại cuối kỳ của chính khoản nợ đó quy định tại Tiết a, Điểm 2.1, Khoản 2 Điều này.
Trường hợp số tiền này nhỏ hơn số tiền VAMC đã thu hàng năm quy định tại Tiết a, Điểm 2.1, Khoản 2 Điều này thì VAMC không phải hoàn trả tổ chức tín dụng số tiền đã thu.
b) Số tiền thu hồi nợ của các khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt của VAMC là các khoản tiền VAMC thu được thông qua thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu quy định tại Điều 16 Nghị định số 53/2013/NĐ-CP và Nghị định số 34/2015/NĐ-CP.
3. Nguyên tắc ghi nhận doanh thu
3.1 Đối với khoản thu của VAMC tính trên số dư nợ gốc còn lại cuối kỳ của khoản nợ được mua bằng trái phiếu đặc biệt: VAMC hạch toán vào thu nhập tại thời điểm ngày 31/12 hàng năm hoặc tại thời điểm trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
3.2 Đối với khoản thu của VAMC từ số tiền thu hồi khoản nợ xấu được mua bằng trái phiếu đặc biệt: VAMC hạch toán vào thu nhập chậm nhất tại thời điểm cuối tháng của tháng thu hồi được nợ.
3.3 Đối với khoản thu từ bán nợ, bán tài sản đảm bảo đối với khoản nợ mua theo giá thị trường: VAMC hạch toán vào thu nhập tại thời điểm chuyển quyền và nghĩa vụ cho người mua.
3.4 Đối với khoản thu từ hoạt động góp vốn, mua cổ phần: doanh thu là số lãi được chia khi có nghị quyết hoặc quyết định chia.
3.5 Đối với khoản thu từ các hoạt động khác (bao gồm thu từ hoạt động tư vấn, môi giới mua, bán, xử lý nợ và tài sản; thu từ các hoạt động cho thuê, khai thác tài sản; thu từ hoạt động tài chính; thu từ hoạt động đấu giá tài sản và các khoản thu khác): Doanh thu là toàn bộ số tiền được khách hàng chấp nhận thanh toán không phân biệt đã thu tiền hay chưa thu tiền.
3.6 Đối với các khoản thu phải thu từ tổ chức tín dụng đã hạch toán vào doanh thu nhưng đến kỳ hạn thu không thu được VAMC hạch toán vào chi phí và theo dõi ngoại bảng để đôn đốc thu. Khi thu được thì hạch toán vào doanh thu hoạt động kinh doanh. Các khoản phải thu còn lại, VAMC trích lập dự phòng theo quy định pháp luật đối với doanh nghiệp.
Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về doanh thu của VAMC. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 01/2017/TT-BTC.
Trân trọng!