Người lao động có phải đóng góp cho Quỹ Phòng, chống thiên tai?
Điều 5 Nghị định 94/2014/NĐ-CP quy định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai như sau quy định về đối tượng và mức đóng góp.
1. Các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập: Mức đóng góp bắt buộc một năm là hai phần vạn (2/10.000) trên tổng giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hằng năm nhưng tối thiểu 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng và được hạch toán vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh. 2. Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động đóng góp như sau: a) Cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang hưởng lương, cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp nhà nước đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương cơ bản sau khi trừ các khoản thuế, bảo hiểm phải nộp; b) NLĐ trong các doanh nghiệp đóng 1 ngày lương/người/năm theo mức lương tối thiểu vùng; c) NLĐ khác, trừ các đối tượng đã được quy định tại điểm a, điểm b khoản này, đóng 15.000 đồng/người/năm.
Từ quy định trên, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 36/2015/QĐ-UBND quy định về quản lý, thu nộp, sử dụng, quyết toán Quỹ Phòng, chống thiên tai tại TPHCM. Theo đó, đối tượng và mức đóng góp như quy định tại Điều 5, Nghị định 94/2014/NĐ-CP. Về trách nhiệm quản lý, thu - nộp, sử dụng quỹ, Điều 12 quy định: Chủ tịch UBND các quận - huyện, phường - xã, thị trấn, thủ trưởng các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức thu, nộp quỹ. Các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập và cá nhân quy định tại Điều 2 quyết định này có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp cho quỹ theo quy định. Như vậy, việc UBND quận 12 thông báo Cty của bạn phải nộp tiền cho Quỹ Phòng, chống thiên tai là đúng quy định. Mức đóng góp của các tổ chức kinh tế hạch toán độc lập tùy thuộc giá trị tài sản hiện có tại Việt Nam theo báo cáo tài chính hằng năm, nhưng tối thiểu là 500.000 đồng, tối đa 100 triệu đồng. Còn mức đóng góp của NLĐ sẽ phụ thuộc vào mức lương tối thiểu vùng chia cho số ngày làm việc bình quân của cả năm.