Cháu có câu hỏi về chế độ tai nạn giao thông trên tuyến đường từ nơi làm việc về nhà Ngày 02/11/2015 trên đường đi làm về, bác cháu điều khiển xe mô tô tham gia giao thông từ hướng TX. Phước Long-Bình Phước về ngã tư Đồng Xoài đến khu vực đèn xanh, đèn đỏ thì bị xe ô tô va chạm vào xe làm ngã xuống đường và bất tỉnh (do trời mưa không rõ biển số, không biết tên, địa chỉ người điều khiển xe). Sau đó bác được người dân địa phương gần đó phát hiện thấy và đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước cấp cứu (người làm chứng vẫn còn). Trong quá trình điều trị bác sĩ chuẩn đoán tôi bị gẫy 1/3 giữa xương tay phải, sưng nề biến dạng cẳng tay (hồ sơ nằm viện, phẫu thuật gốc vẫn còn). Vụ tai nạn phía nơi bác công tác cũng có xác minh, có xác nhận của Công an phường nơi xảy ra vụ tai nạn. Theo quy định của Cơ quan Bảo hiểm cần có bản sao Biên bản tai nạn giao thông. Trong trường hợp không có Biên bản tai nạn giao thông (quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật BHXH) thì được thay thế bằng “Bản sao Biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông” mới được thanh toán các khoản chi phí theo chế độ người lao động. Tham gia bảo hiểm đã hơn 20 năm, đây cũng là lần đầu tiên bác bị tai nạn. Khi bác bị tai nạn người dân chỉ nghĩ việc gọi xe đưa bác đi viện để cứu mạng sống của bác, cũng không biết phải gọi cho công an. Hiện tại, bác chưa được hưởng chế độ BHXH đối với người lao động do không có biên bản trên. Hiện tại, tay vẫn chưa hoạt động được bình thường Cháu và bác cũng không biết làm cách nào cho đầy đủ thủ tục để hưởng chế độ theo quy định của pháp luật. Tôi mong rằng các ngành chức năng tạo điều kiện giúp đỡ người lao động để người lao động như bác cháu được hưởng chế độ.
Về hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ đối với người lao động điều trị xong ra viện trước ngày 01/7/2016 thực hiện theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội 2006 và các văn bản hướng dẫn luật. Theo đó, hồ sơ hưởng chế độ TNLĐ đối với trường hợp bị tai nạn giao thông được xác định là TNLĐ phải có thêm bản sao Biên bản tai nạn giao thông hoặc bản sao Biên bản khám nghiệm hiện trường, Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông.
Trường hợp bác của Bạn và các trường hợp khác, bị tai nạn giao thông trên đường đi làm về nhưng không có Biên bản tai nạn giao thông hoặc bản sao Biên bản khám nghiệm hiện trường, Sơ đồ hiện trường vụ tai nạn giao thông nên cơ quan BHXH không có căn cứ để giải quyết. Đây là vướng mắc trong tổ chức thực hiện. BHXH Việt Nam đã tổng hợp xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Khi có hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam sẽ chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện.