Có thể kiện hãng xe nếu không thỏa thuận được bồi thường
Theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2005 về bồi thường thiệt hại do vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng: “Cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác sản xuất, kinh doanh không bảo đảm chất lượng hàng hoá mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng phải bồi thường”.
Nguyên tắc này được quy định cụ thể hơn tại Điều 23 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp chứng minh được khuyết tật của hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng.
Cũng theo quy định tại điều luật này, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp nói trên bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa;
b) Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa;
c) Tổ chức, cá nhân gắn tên thương mại lên hàng hóa hoặc sử dụng nhãn hiệu, chỉ dẫn thương mại cho phép nhận biết đó là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa;
d) Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa có khuyết tật cho người tiêu dùng trong trường hợp không xác định được tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bồi thường thiệt hại quy định ở trên.
Với các quy định vừa viện dẫn, chiếc xe bị gẫy trục sau khi xe đang tham gia giao thông không thuộc loại khuyết tật mà trình độ khoa học, kỹ thuật tại thời điểm xe được xuất xưởng “không thể phát hiện được”. Do vậy, về nguyên tắc những thiệt hại (về người, về tài sản) do khuyết tật của chiếc xe này gây ra sẽ được bồi thường. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này thuộc về Hãng sản xuất ra chiếc xe đó và việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
Theo quy định tại Điều 609 Bộ luật Dân sự 2005, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.
Ngoài ra, người xâm phạm sức khỏe của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định nói trên và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được, mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.
Vợ chồng em bạn có quyền yêu cầu Hãng sản xuất chiếc xe phải bồi thường thiệt hại về tài sản cũng như thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm về các khoản như đã nêu ở trên. Nếu các bên không thương lượng được (về những khoản phải bồi thường, về số tiền bồi thường...), vợ chồng em bạn có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu Hãng sản xuất chiếc xe phải bồi thường những thiệt hại đã gây ra do việc sử dụng hàng hóa bị khuyết tật.
Thư Viện Pháp Luật