Xử phạt về hành vi lén lút vứt rác ở nơi công cộng
Khoản 1 Điều 20 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định như sau:
“Điều 20. Vi phạm các quy định về vệ sinh nơi công cộng; thu gom, vận chuyển, chôn, lấp, xử lý, thải rác thải sinh hoạt và chất thải rắn công nghiệp thông thường; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường
1. Hành vi thu gom, thải rác thải sinh hoạt trái quy định về bảo vệ môi trường bị xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, trừ vi phạm quy định tại điểm d khoản này;
d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị.”
Khoản 1 Điều 48 quy định về Nghị định 155/2016/NĐ-CP thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền như sau:
“a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 5.000.000 đồng;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 3 Điều này”
Khi phát hiện có người đang thực hiện hành vi vứt rác ra nơi công cộng thì cán bộ, công chức xã có quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về biên bản, thẩm quyền lập biên bản và quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:
“2. Các chức danh có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bao gồm:
a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đang thi hành công vụ;
b) Công chức, viên chức đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường; Sở Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường và Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Phòng Tài nguyên và Môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện;
c) Công chức đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường của ngành mình quản lý thuộc các bộ, cơ quan ngang bộ;
d) Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn quản lý;
đ) Chiến sĩ công an nhân dân, công an xã, phường, thị trấn và cán bộ trật tự công cộng đang thi hành nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ môi trường tại các khu đô thị, khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng;
e) Cán bộ, công chức, viên chức thuộc Ban quản lý rừng, Ban quản lý các vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển đang thi hành nhiệm vụ bảo vệ môi trường."
Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính quy định tại khoản này khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường phải kịp thời lập biên bản để xử phạt hoặc chuyển đến người có thẩm quyền xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 155/2016/NĐ-CP.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt hành vi lén lút vứt rác ở nơi công cộng. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 155/2016/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật