Bản sao giấy khai sinh được thay thế hoàn toàn bản gốc?

Tôi bị mất khai sinh bản gốc, khi làm lại thì được cấp trích lục khai sinh (bản sao) và nhận câu trả lời từ năm 2016 nó có giá trị như bản gốc.Tôi muốn hỏi cán bộ tư pháp trả lời như vậy có đúng không, trong khi nơi tôi làm thủ tục nhập học cứ yêu cầu phải xuất trình bản gốc? Trần Na

Theo khoản 1 Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch 2014, điều kiện đăng ký lại khai sinh là đã đăng ký khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 1/1/2016 nhưng Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đều bị mất.

Như vậy, nếu bản chính giấy khai bị mất và sổ hộ tịch (sổ hộ tịch là sổ giấy được lập và lưu giữ tại cơ quan đăng ký hộ tịch để xác nhận hoặc ghi các sự kiện hộ tịch) cũng bị mất thì mới thuộc trường hợp đăng ký lại khai sinh.

Trường hợp mất bản chính Giấy khai sinh nhưng vẫn còn sổ hộ tịch thì cần yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp bản sao trích lục hộ tịch (trích lục hộ tịch là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp nhằm chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân đã đăng ký tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Bản chính trích lục hộ tịch được cấp ngay sau khi sự kiện hộ tịch được đăng ký. Bản sao trích lục hộ tịch bao gồm bản sao trích lục hộ tịch được cấp từ Cơ sở dữ liệu hộ tịch và bản sao trích lục hộ tịch được chứng thực từ bản chính).

Thủ tục yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch được quy định tại Điều 64 Luật Hộ tịch 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) như sau:

- "Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch trực tiếp hoặc thông qua người đại diện gửi tờ khai theo mẫu quy định cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

Trường hợp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị cấp bản sao trích lục hộ tịch của cá nhân thì gửi văn bản yêu cầu nêu rõ lý do cho Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch.

- Ngay sau khi nhận được yêu cầu, nếu đủ điều kiện thì Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu hộ tịch cấp bản sao trích lục hộ tịch cho người yêu cầu”.

Mặc dù không có quy định thể hiện rõ Trích lục khai sinh (bản sao) có giá trị như bản chính nhưng đây là văn bản có hiệu lực pháp lý để chứng minh sự kiện hộ tịch của cá nhân. Trong trường hợp giấy khai sinh bản chính đã bị mất thì Trích lục khai sinh (bản sao) là căn cứ pháp lý có giá trị để chứng minh việc khai sinh. Đồng thời, nội dung Trích lục khai sinh (bản sao) cũng tương đồng với giấy khai sinh bản chính nên thực tế Trích lục khai sinh (bản sao) có thể được coi là có giá trị như bản chính.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào