Kiện đòi sổ BHXH, có phải nộp tiền?
Căn cứ Điều 47 Bộ luật Lao động 2012 quy định trong thời hạn bảy ngày làm việc (kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động), hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại sổ bảo hiểm xã hội và những giấy tờ khác mà người sử dụng lao động đã giữ lại của người lao động.
Ngoài ra, tại khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định: “Người sử dụng lao động phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật”.
Nếu người sử dụng lao động thực hiện không đúng nghĩa vụ, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình thì người lao động có quyền khởi kiện ra tòa án để giải quyết. Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của UBTVQH quy định về miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí đối với người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải…
Như vậy, khi bạn của bạn kiện công ty trong trường hợp này thì bạn ấy được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.
Lưu ý, thời hiệu yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là một năm (kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm). Do vậy, người lao động cần lưu ý để không bị quá thời hiệu khởi kiện.
Thư Viện Pháp Luật