Yêu cầu về kiểm dịch vận chuyển động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh phát triển chăn nuôi

Yêu cầu về kiểm dịch vận chuyển động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh phát triển chăn nuôi được quy định như thế nào? Tôi hiện đang nuôi lợn theo mô hình công nghiệp nên rất quan tâm tới quy định này. Tôi xin cảm ơn và mong sớm nhận được câu trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật! Nguyễn Trung Nhân, địa chỉ mail trung_nhan_89****@gmail.com

Yêu cầu về kiểm dịch vận chuyển động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh phát triển chăn nuôi được quy định tại Mục III Thông tư 22/2009/TT-BNNPTNT hướng dẫn yêu cầu về giống vật nuôi, kiểm dịch vận chuyển giống vật nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh phát triển chăn nuôi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, theo đó:

III. YÊU CẦU VỀ KIỂM DỊCH VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT

1. Thủ tục đăng ký kiểm dịch:

Tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu vận chuyển động vật để chăn nuôi, buôn bán, cung ứng cho các dự án phát triển chăn nuôi phải đăng ký kiểm dịch theo quy định với Chi cục Thú y.

Nội dung đăng ký kiểm dịch phải đầy đủ các thông tin: Loại động vật, số lượng, tính biệt, mục đích sử dụng, nguồn gốc động vật, nơi động vật đến.

2. Yêu cầu về vệ sinh thú y đối với giống vật nuôi:

2.1. Giống vật nuôi phải khỏe mạnh, đạt chất lượng con giống, có nguồn gốc rõ ràng và xuất phát từ vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh hoặc vùng, cơ sở không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong thời gian ít nhất 3 tháng trước khi xuất bán con giống. Cụ thể các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với từng giống vật nuôi như sau:

a) Đối với trâu, bò: Bệnh Lở mồm long móng (LMLM);

b) Đối với dê, cừu: Bệnh LMLM, Đậu dê, Đậu cừu;

c) Đối với lợn: Bệnh LMLM, Tai xanh, Dịch tả lợn;

d) Đối với gà: Bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn;

đ) Đối với vịt: Bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả vịt.

2.2. Giống vật nuôi phải được tiêm phòng vắc xin đối với các bệnh sau:

a) Đối với bệnh LMLM:

- Tiêm phòng vắc xin LMLM tam giá týp O, A, Asia 1 cho trâu, bò, dê, cừu;

- Tiêm phòng vắc xin LMLM týp O cho lợn nái, lợn đực giống; lợn nuôi lấy thịt (trong trường hợp cung cấp cho các dự án phát triển chăn nuôi).

- Sử dụng chủng loại vắc xin trong chương trình Quốc gia khống chế và thanh toán bệnh LMLM hoặc các loại vắc xin tương đồng cao với các týp vi rút LMLM lưu hành tại Việt Nam.

b) Đối với bệnh Nhiệt thán: Tiêm phòng cho trâu, bò có nguồn gốc từ vùng/cơ sở đã bị bệnh Nhiệt thán trong thời gian 10 năm trước khi xuất bán.

c) Đối với bệnh Dịch tả lợn: Tiêm phòng cho lợn.

d) Đối với bệnh Cúm gia cầm: Gà, vịt phải được tiêm phòng theo quy định.

đ) Bệnh Đậu dê, cừu: Tiêm phòng cho dê, cừu.

e) Gia súc, gia cầm có nguồn gốc từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh thì không phải tiêm phòng vắc xin đối với các bệnh đã được công nhận an toàn dịch bệnh.

2.3. Tổ chức, cá nhân trực tiếp cung ứng hoặc được ký hợp đồng cung ứng giống vật nuôi phải cử cán bộ chuyên môn phối hợp với cán bộ của Chi cục Thú y kiểm tra thực tế về chất lượng con giống và các yêu cầu về vệ sinh thú y đối với con giống trước khi vận chuyển.

3. Kiểm dịch trước khi vận chuyển:

3.1. Địa điểm, thời gian cách ly kiểm dịch:

a) Đối với giống vật nuôi có nguồn gốc từ các cơ sở, trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở sản xuất con giống, việc kiểm dịch được thực hiện tại cơ sở.

b) Đối với giống vật nuôi được thu gom từ các hộ chăn nuôi, việc kiểm dịch được thực hiện tại địa điểm do cơ quan thú y chỉ định.

c) Thời gian cách ly kiểm dịch phải đủ để đảm bảo thực hiện đúng quy trình kiểm dịch.

3.2. Kiểm dịch gia súc:

a) Gia súc có nguồn gốc từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (bệnh LMLM đối với trâu, bò, dê, cừu; bệnh LMLM, Dịch tả lợn đối với lợn):

- Tách riêng gia súc, kiểm tra lâm sàng, đánh dấu theo quy định (trâu, bò bấm thẻ tai, lợn bấm thẻ tai hoặc xăm tai).

- Gia súc đã được tiêm phòng vắc xin các bệnh nêu tại điểm 2.2, 2, III nêu trên và trong thời gian còn miễn dịch thì được phép vận chuyển ngay.

- Trường hợp gia súc chưa được tiêm vắc xin thì phải tiêm phòng theo quy định, sau khi tiêm 14 ngày mới được vận chuyển.

- Đối với lợn phải không có triệu chứng lâm sàng của bệnh Tai xanh trong thời gian ít nhất 3 tháng trước khi vận chuyển.

b) Gia súc có nguồn gốc từ trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung:

- Gia súc phải đảm bảo điều kiện tại điểm 2.1, 2, III nêu trên;

- Việc kiểm dịch được thực hiện như đối với gia súc có nguồn gốc từ vùng, cơ sở, trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh nhưng phải có xác nhận của cơ quan thú y về việc tiêm phòng cho gia súc;

- Trường hợp không có xác nhận của cơ quan thú y về việc tiêm phòng thì phải tiêm phòng lại vắc xin theo quy định.

c) Gia súc được thu gom từ các hộ chăn nuôi:

- Tập trung gia súc tại địa điểm được chỉ định;

- Kiểm tra lâm sàng, đánh dấu gia súc theo quy định;

- Gia súc đã được tiêm vắc xin, trong thời gian còn miễn dịch bảo hộ và có giấy chứng nhận tiêm phòng thì phải lấy mẫu huyết thanh để kiểm tra hàm lượng kháng thể týp O, A đối với trâu, bò, dê, cừu; týp O đối với lợn (số mẫu lấy theo tỷ lệ lưu hành ước tính là 10% theo số lượng gia súc từng đợt xuất bán); nếu phát hiện có ≥ 70% số mẫu không đạt hiệu giá bảo hộ thì phải tiêm lại tất cả số gia súc sẽ xuất bán.

- Gia súc chưa được tiêm phòng hoặc không có giấy chứng nhận đã tiêm phòng thì phải tiêm phòng vắc xin theo quy định.

3.3. Kiểm dịch gia cầm:

a) Gia cầm có nguồn gốc từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (đối với gà: bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn; đối với vịt: bệnh Cúm gia cầm, Dịch tả vịt).

- Gà, vịt 01 ngày tuổi: Kiểm tra lâm sàng, nếu khoẻ mạnh và bảo đảm chất lượng con giống thì được vận chuyển ngay.

- Gà, vịt thương phẩm, hậu bị: Kiểm tra lâm sàng, nếu khoẻ mạnh và đã được tiêm phòng vắc xin theo quy định được vận chuyển ngay.

b) Gia cầm có nguồn gốc từ trang trại, cơ sở chăn nuôi tập trung:

Gà, vịt 01 ngày tuổi: Có nguồn gốc từ đàn bố mẹ đã được tiêm phòng, có kết quả kiểm tra kháng thể đạt hiệu giá bảo hộ đối với các bệnh trên thì được vận chuyển ngay; nếu đàn bố mẹ không có kết quả kiểm tra kháng thể thì không được vận chuyển.

c) Gia cầm có nguồn gốc từ trứng thu gom từ nhiều đàn bố mẹ:

Gà, vịt 01 ngày tuổi: Được phép xuất bán, vận chuyển nếu chứng minh được có nguồn gốc từ đàn bố mẹ đã được tiêm phòng và có kết quả kiểm tra kháng thể đạt hiệu giá bảo hộ với các bệnh Cúm gia cầm, Niu-cát-xơn, Dịch tả vịt.

4. Yêu cầu khi nhập giống vật nuôi vào địa phương:

4.1. Chỉ được phép vận chuyển động vật tới địa điểm ghi trong giấy chứng nhận kiểm dịch.

4.2. Phải khai báo trung thực với Chi cục Thú y nơi tiếp nhận động vật về địa danh, số lượng, tình trạng sức khỏe động vật khi vận chuyển đến.

4.3. Thực hiện việc nuôi cách ly động vật ít nhất là 07 ngày trước khi nhập đàn hoặc đưa về các hộ chăn nuôi.

a) Kiểm tra, theo dõi lâm sàng trong suốt quá trình nuôi cách ly.

b) Tiêm phòng bổ sung các bệnh khác tùy theo tình hình dịch bệnh tại địa phương. Trong trường hợp gia súc mới tiêm phòng vắc xin LMLM lần đầu 1 mũi thì phải tiêm mũi thứ 2 cách mũi đầu 30 ngày.

c) Trường hợp nghi ngờ động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thì phải lấy mẫu xét nghiệm bệnh. Nếu phát hiện động vật mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, phải tổ chức bao vây ổ dịch, xử lý động vật mắc bệnh, khử trùng tiêu độc triệt để theo quy định.

d) Trong thời gian nuôi cách ly, nghiêm cấm:

Đưa động vật đến hộ gia đình hoặc cho nhập đàn tại cơ sở chăn nuôi khi chưa hết thời gian nuôi cách ly và chưa được sự đồng ý của cơ quan Thú y;

Chăn thả động vật ra ngoài khu vực nuôi cách ly.

đ) Yêu cầu chủ vật nuôi hoặc tổ chức, cá nhân cung ứng động vật phải thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực nuôi cách ly trước và sau mỗi đợt nhập và xuất động vật.

4.4. Chi cục Thú y nơi tiếp nhận tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đối với động vật nhập vào địa phương sau thời gian cách ly.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về Yêu cầu về kiểm dịch vận chuyển động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh phát triển chăn nuôi, được quy định tại Thông tư 22/2009/TT-BNNPTNT. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào