Quy định về quyền của tổ hợp tác
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 151/2007/NĐ-CP tổ chức hoạt động tổ hợp tác thì:
1. Tổ hợp tác được lựa chọn ngành, nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm, hoạt động không giới hạn theo phạm vi hành chính địa phương nơi tổ hợp tác chứng thực hợp đồng hợp tác. Tổ hợp tác hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề đòi hỏi phải có Giấy phép hành nghề hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì phải tuân thủ các quy định về giấy phép hành nghề hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.
2. Trực tiếp xuất khẩu, nhập khẩu hoặc liên doanh, liên kết với tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài để mở rộng sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
3. Được hưởng các chính sách hỗ trợ và tham gia xây dựng, thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm và xoá đói, giảm nghèo ở địa phương.
4. Được mở tài khoản riêng tại ngân hàng theo quy định của pháp luật và theo cơ chế người đại diện được ghi trong hợp đồng hợp tác.
5. Được ký kết các hợp đồng dân sự.
6. Quyết định việc phân phối hoa lợi, lợi tức và xử lý các khoản lỗ của tổ hợp tác.
7. Các quyền khác được ghi trong hợp đồng hợp tác nhưng không trái với các quy định của pháp luật.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quyền của tổ hợp tác. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 151/2007/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật