Truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án được phối hợp thực hiện như thế nào?

Truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án được phối hợp thực hiện như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về thực hiện việc bắt giữ tàu biển, thả tàu biển đang bị bắt giữ. Vì thế, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án được phối hợp thực hiện như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Anh Khôi (khoi***@gmail.com)

Phối hợp thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án được quy định tại Điều 9 Nghị định 57/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển như sau:

1. Trường hợp phải thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của tòa án, căn cứ vào điều kiện, tình hình thực tế, vị trí tàu biển đang hoạt động và phạm vi hoạt động của các lực lượng thực hiện truy đuổi, Giám đốc Cảng vụ yêu cầu Vùng Cảnh sát biển hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nơi tàu đang hoạt động chủ trì hoặc phối hợp truy đuổi. Việc yêu cầu truy đuổi tàu biển phải được thực hiện bằng văn bản.

2. Văn bản yêu cầu truy đuổi tàu biển được gửi hỏa tốc qua đường công văn, fax hoặc thông qua phương tiện điện tử khác. Nội dung văn bản phải nêu rõ tên tàu, quốc tịch tàu, số IMO, cảng đăng ký, đặc điểm nhận dạng của tàu; số quyết định, ngày tháng năm ký quyết định bắt giữ tàu biển, Tòa án ra quyết định và lý do bắt giữ, thời gian rời cảng, vị trí, hướng đi dự kiến và cảng đến của tàu biển (nếu có).

3. Ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu truy đuổi của Giám đốc Cảng vụ, Thủ trưởng lực lượng Vùng Cảnh sát biển hoặc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy được yêu cầu chủ trì truy đuổi, điều động lực lượng và phương tiện chuyên dùng thuộc quyền tổ chức truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án, đồng thời thông báo cho Cảng vụ biết. Trường hợp không thể tổ chức truy đuổi, phải nêu rõ lý do. Khi thực hiện truy đuổi, lực lượng chủ trì việc truy đuổi có quyền yêu cầu các lực lượng khác phối hợp truy đuổi nếu thấy cần thiết.

4. Trong quá trình truy đuổi, lực lượng truy đuổi phải thường xuyên liên lạc và thông báo tình hình cho Cảng vụ biết để phối hợp thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án.

5. Sau khi hoàn thành việc truy đuổi, lực lượng truy đuổi có trách nhiệm áp giải tàu đến vị trí neo đậu được chỉ định, bàn giao cho lực lượng giám sát tàu biển bị bắt giữ theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này và thông báo cho Cảng vụ để thực hiện quyết định bắt giữ tàu biển của Tòa án theo quy định.

6. Trường hợp không liên lạc được với tàu hoặc việc truy đuổi không thể thực hiện được hay truy đuổi không thành công, Giám đốc Cảng vụ phải thông báo ngay bằng văn bản và thông qua phương tiện điện tử cho Tòa án và các cơ quan có liên quan biết. Nội dung thông báo phải nêu rõ thời gian tàu rời bến cảng và cảng đến dự kiến, các biện pháp liên lạc, truy đuổi tàu mà Cảng vụ và các cơ quan, tổ chức áp dụng.

7. Cảng vụ chủ trì, phối hợp với Vùng Cảnh sát biển, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát giao thông đường thủy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy chế phối hợp thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án trong khu vực quản lý của Cảng vụ.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về phối hợp thực hiện truy đuổi tàu biển có quyết định bắt giữ của Tòa án. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 57/2010/NĐ-CP.

Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tàu biển

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào