Hồ sơ đề nghị cấp C/O ưu đãi được quy định như thế nào?
Hồ sơ đề nghị cấp C/O ưu đãi được quy định tại Điều 9 Thông tư 06/2011/TT-BCT về quy định thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi do Bộ Công thương ban hành, theo đó:
Điều 9. Hồ sơ đề nghị cấp C/O
1. Đối với doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu những mặt hàng cố định và trước đó đã nộp bộ hồ sơ chi tiết nêu tại khoản 2 của Điều này, hồ sơ đề nghị cấp C/O bao gồm:
a) Đơn đề nghị cấp C/O được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ (Phụ lục 3);
b) Mẫu C/O tương ứng đã được khai hoàn chỉnh;
c) Bản sao tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan (có đóng dấu sao y bản chính của doanh nghiệp). Các trường hợp hàng xuất khẩu không phải khai báo tờ khai hải quan theo quy định của pháp luật sẽ không phải nộp bản sao tờ khai hải quan;
d) Bản sao hóa đơn thương mại (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân);
đ) Bản sao vận tải đơn hoặc bản sao chứng từ vận tải tương đương (có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân) trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn. Trường hợp cấp C/O giáp lưng cho cả lô hàng hoặc một phần lô hàng từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước, chứng từ này có thể không bắt buộc phải nộp nếu trên thực tế thương nhân không có;
e) Bản tính toán chi tiết hàm lượng giá trị khu vực (đối với tiêu chí hàm lượng giá trị khu vực); hoặc bản kê khai chi tiết mã HS của nguyên liệu đầu vào và mã HS của sản phẩm đầu ra (đối với tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa hoặc tiêu chí công đoạn gia công chế biến cụ thể).
Trong trường hợp chưa có bản sao tờ khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan và vận tải đơn (hoặc chứng từ tương đương vận tải đơn), người đề nghị cấp C/O có thể được nợ các chứng từ này nhưng không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày được cấp C/O.
2. Đối với thương nhân đề nghị cấp C/O lần đầu, hoặc sản phẩm mới xuất khẩu lần đầu, ngoài các chứng từ nêu trên, trong trường hợp cần thiết, Tổ chức cấp C/O có thể đi kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất của thương nhân và yêu cầu người đề nghị cấp C/O nộp thêm các tài liệu, chứng từ sau dưới dạng bản sao có đóng dấu sao y bản chính của thương nhân:
a) Quy trình sản xuất ra hàng hóa;
b) Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất);
c) Hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu mua trong nước trong quá trình sản xuất);
d) Xác nhận của người bán hoặc xác nhận của chính quyền địa phương nơi sản xuất ra nguyên liệu, hàng hóa (trong trường hợp sử dụng nguyên liệu, hàng hóa mua trong nước trong quá trình sản xuất) trong trường hợp không có những chứng từ nêu tại điểm c khoản 2 điều này;
đ) Giấy phép xuất khẩu (nếu có);
e) Chứng từ, tài liệu cần thiết khác.
3. Mã HS của hàng hóa khai trên C/O là mã HS của nước nhập khẩu. Trường hợp mã HS nước nhập khẩu khác với mã HS nước xuất khẩu, thương nhân cần làm bản cam kết tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của mã HS nước nhập khẩu do thương nhân khai báo.
4. Những tài liệu, chứng từ nêu tại khoản 2 điều này có giá trị trong vòng 2 năm kể từ ngày thương nhân nộp cho tổ chức cấp C/O. Sau thời hạn này, thương nhân phải nộp lại hồ sơ chi tiết nêu tại khoản 2 điều này để cập nhật những thông tin mới về quy trình sản xuất, nguyên vật liệu sử dụng để sản xuất ra hàng hóa và các thông tin khác.
5. Thương nhân phải lưu trữ tài liệu, chứng từ của từng lô hàng xuất khẩu nêu tại khoản 1, khoản 2 điều này trong vòng 3 năm kể từ ngày cấp C/O để xuất trình cho Tổ chức cấp C/O khi Tổ chức này hậu kiểm xuất xứ của những lô hàng đã được cấp C/O.
6. Trường hợp thương nhân có xuất khẩu thêm mặt hàng mới mà chưa nộp hồ sơ chi tiết, thương nhân phải nộp bổ sung hồ sơ chi tiết như quy định tại khoản 2 điều này cho mặt hàng này.
7. Tổ chức cấp C/O có thể yêu cầu thương nhân cung cấp bản chính của các bản sao nêu tại khoản 1, khoản 2 điều này để đối chiếu trong trường hợp có căn cứ rõ ràng để nghi ngờ tính xác thực của những chứng từ này và phải nêu rõ những căn cứ này bằng văn bản, có chữ ký của người có thẩm quyền ký C/O trên văn bản yêu cầu đó.
8. Tổ chức cấp C/O cũng có thể yêu cầu thương nhân cung cấp bản chính của các bản sao nêu tại khoản 1, khoản 2 điều này để đối chiếu một cách ngẫu nhiên.
Điều này được bổ sung bởi Khoản 2 Điều 1 Thông tư 01/2013/TT-BCT, cụ thể:
9. Trong trường hợp hàng hóa xuất khẩu gửi kho ngoại quan, ngoài các chứng từ, tài liệu quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều 9, người đề nghị cấp C/O nộp thêm các chứng từ, tài liệu sau:
a. Tờ khai hàng hóa nhập, xuất kho ngoại quan có xác nhận hàng đến cửa khẩu xuất của cơ quan Hải quan và phiếu xuất kho: 01 (một) bản sao đóng dấu sao y bản chính của thương nhân;
b. Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận ký giữa thương nhân Việt Nam với khách hàng nước ngoài gửi hàng tại kho ngoại quan, trong đó có quy định thương nhân Việt Nam giao hàng cho người nhập khẩu ở nước có Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam: 01 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân; hoặc
c. Hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận ký giữa khách hàng nước ngoài gửi hàng tại kho ngoại quan với người nhập khẩu tại nước có Hiệp định Thương mại tự do với Việt Nam, trong đó có quy định thương nhân Việt Nam giao hàng cho người nhập khẩu: 01 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Hồ sơ đề nghị cấp C/O ưu đãi, được quy định tại Thông tư 06/2011/TT-BCT. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật