Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trong công tác bảo đảm an ninh hàng không

Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trong công tác bảo đảm an ninh hàng không như thế nào? Chào các anh/chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi đang muốn tìm hiểu những quy định của pháp luật về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm an ninh hàng không. Vì thế, tôi có một thắc mắc mong nhận được sự giải đáp từ phía anh/chị trong Ban biên tập. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trong công tác bảo đảm an ninh hàng không như thế nào? Văn bản nào quy định điều này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập. Tôi xin chân thành cám ơn Ban biên tập Thư Ký Luật. Minh Thiên (thien***@gmail.com)

Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trong công tác bảo đảm an ninh hàng không được quy định tại Điều 114 Thông tư 01/2016/TT-BGTVT quy định chi tiết Chương trình an ninh hàng không và kiểm soát chất lượng an ninh hàng không Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành như sau:

1. Xây dựng Quy chế an ninh hàng không bao gồm phương án khẩn nguy đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp và tổ chức triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt; cung cấp Quy chế an ninh hàng không được phê duyệt cho Cảng vụ hàng không liên quan và người khai thác cảng hàng không, sân bay. Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá, thử nghiệm, khảo sát an ninh hàng không của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

2. Tổ chức hệ thống bảo đảm an ninh hàng không theo quy định của Thông tư này; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không làm công tác bảo đảm an ninh hàng không tại các khu vực hạn chế của doanh nghiệp; doanh nghiệp bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không làm công tác bảo đảm an ninh hàng không tại cơ sở bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay.

3. Thực hiện quyền hạn, trách nhiệm đối phó ban đầu với hành vi can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng tại các cơ sở cung cấp dịch vụ nằm ngoài khu vực cảng hàng không, theo quy định của pháp luật.

4. Phối hợp với Cảng vụ hàng không, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, cơ quan công an, quân đội, chính quyền địa phương có liên quan trong việc giải quyết, xử lý các vụ việc, hành vi vi phạm an ninh hàng không tại các khu vực hạn chế của doanh nghiệp.

5. Thu thập thông tin, tình hình, đánh giá và xác định mức độ của các mối đe dọa tiềm ẩn đối với công tác bảo đảm an ninh hàng không tại cơ sở để tham mưu cho Cục Hàng không Việt Nam, Ban chỉ huy khẩn nguy hàng không tỉnh, thành phố, huyện đảo về tăng cường các biện pháp kiểm soát an ninh hàng không thích hợp.

6. Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát, thử nghiệm, khảo sát, điều tra an ninh hàng không của Cục Hàng không Việt Nam và Cảng vụ hàng không theo quy định của pháp luật và Thông tư này.

7. Trong phạm vi nội bộ do mình quản lý, chịu trách nhiệm:

a) Xác định khu vực hạn chế của doanh nghiệp nằm ngoài cảng hàng không, sân bay. Cấp, quản lý thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh nội bộ theo quy định;

b) Kiểm soát an ninh nội bộ đối với nhân viên hàng không. Tổ chức hệ thống kiểm tra, giám sát nội bộ;

c) Bảo vệ thông tin và hệ thống công nghệ thông tin hàng không dân dụng do mình quản lý chống lại hành vi truy cập, can thiệp trái phép gây mất an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng và đánh cắp thông tin cần được bảo mật theo quy định của pháp luật;

d) Tổ chức thực hiện kiểm soát chất lượng an ninh nội bộ theo quy định;

đ) Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, huấn luyện kiến thức an ninh hàng không cho cán bộ, nhân viên có liên quan theo quy định của pháp luật;

e) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cán bộ, nhân viên của mình ý thức chấp hành, tuân thủ các quy định về an ninh hàng không; tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các quy định về an ninh hàng không, trừ tài liệu an ninh hàng không hạn chế.

8. Tổ chức ký kết các văn bản phối hợp về công tác bảo đảm an ninh hàng không, an ninh trật tự, an toàn xã hội với chính quyền, công an địa phương, đơn vị quân đội liên quan nơi có cơ sở cung cấp dịch vụ.

9. Tổ chức diễn tập đối phó với hành vi can thiệp bất hợp pháp cấp cơ sở, tham gia diễn tập cấp ngành, cấp quốc gia theo quy định.

10. Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về an ninh hàng không của Cục Hàng không Việt Nam.

Trên đây là nội dung tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không trong công tác bảo đảm an ninh hàng không. Để hiểu rõ chi tiết hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 01/2016/TT-BGTVT.

Trân trọng! 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào