Vệ sinh nghĩa trang được quy định như thế nào?
Vệ sinh nghĩa trang được quy định tại Mục IX Thông tư 02/2009/TT-BYT hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hoả táng do Bộ Y tế ban hành, theo đó:
IX. VỆ SINH NGHĨA TRANG
1. Lựa chọn địa điểm và quy hoạch xây dựng nghĩa trang:
Việc lựa chọn vị trí và quy hoạch xây dựng nghĩa trang phải tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch xây dựng nghĩa trang do Bộ Xây dựng ban hành.
2. Cấp, thoát nước và xử lý chất thải:
a) Nước sử dụng cho các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh dụng cụ, phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động mai táng tại nghĩa trang phải bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh;
b) Nước thải từ nghĩa trang thải ra phải được thu gom riêng xử lý đạt tiêu chuẩn TCVN 7382:2004;
c) Rác thải phát sinh trong hoạt động mai táng cần được tập trung tại khu riêng và được xử lý bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường;
d) Các chất thải có liên quan trực tiếp đến người chết do mắc các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và một số bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B (trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải cách ly theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế) hoặc thi hài đã bị thối rữa phải được xử lý theo quy định về xử lý chất thải y tế lây nhiễm quy định tại Quy chế quản lý chất thải y tế ban hành kèm theo Quyết định số 43/2007/QĐ-BYT ngày 30/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Thời gian cải táng:
Tuỳ theo điều kiện chất đất, phong tục tập quán và tín ngưỡng của từng vùng mà thời gian cải táng có thể khác nhau nhưng thời gian từ khi chôn đến khi cải táng không dưới 36 tháng.
4. Di chuyển thi hài, hài cốt trong trường hợp giải tỏa nghĩa trang mà chưa đủ thời gian cải táng theo quy định:
a) Khi đào hết lớp đất trên nắp quan tài, tiến hành phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch Cloramin B nồng độ 5% lên mặt trên quan tài, sau 30 phút mới được mở nắp quan tài.
Trường hợp thi hài chưa phân huỷ hết, phải chuyển thi hài sang quan tài khác. Việc xử lý thi hài và môi trường xung quanh được tiến hành như việc khâm liệm đối với người chết đã có hiện tượng thối rữa quy định tại Khoản 2 Mục III của Thông tư này.
Trường hợp thi hài đã phân huỷ hết thì tiến hành cải táng như các trường hợp thông thường để di chuyển hài cốt đi nơi khác.
b) Ngay sau khi di chuyển thi hài hoặc hài cốt đi nơi khác phải phun dung dịch hoá chất diệt khuẩn thuộc danh mục các hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế đã được đăng ký lưu hành như dung dịch Cloramin B nồng độ 5% hoặc rắc một lớp vôi bột xuống huyệt mộ.
5. Sử dụng đất sau cải táng:
Phần đất nơi huyệt mộ sau cải táng phải để tối thiểu là 12 tháng mới được sử dụng vào mục đích mai táng.
6. Sử dụng đất sau khi di dời nghĩa trang:
a) Mặt bằng nghĩa trang (kể cả khu vực vành đai bảo vệ của nghĩa trang) sau khi đã di dời hết các mộ, trong thời gian tối thiểu 10 năm không được sử dụng vào các mục đích sau:
- Khai thác nước ngầm phục vụ mục đích sinh hoạt, ăn uống và chế biến thực phẩm;
- Xây dựng các công trình công cộng như: Khu du lịch, khu vui chơi giải trí, nhà trẻ, trường học, nhà điều dưỡng;
b) Trường hợp cần thiết phải sử dụng trước 10 năm thì phải tiến hành đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và có phương án xử lý vệ sinh môi trường phù hợp với mức độ ô nhiễm.
7. Ghi chép, lưu trữ sổ sách:
Nghĩa trang phải có hồ sơ sổ sách ghi chép các thông tin: họ tên, địa chỉ, nguyên nhân chết, thời gian mai táng; họ tên thân nhân của thi hài. Phải có sơ đồ mô tả các khu vực của nghĩa trang. Hồ sơ sổ sách phải được đơn vị quản lý nghĩa trang ghi chép cập nhật thường xuyên và lưu trữ theo các quy định của pháp luật về lưu trữ quốc gia.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Vệ sinh nghĩa trang, được quy định tại Thông tư 02/2009/TT-BYT. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật