Điều kiện, thủ tục xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu

Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang làm việc trong lực lượng kiểm lâm. Do yêu cầu công việc nên tôi có tìm hiểu về xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu của các vụ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, tuy nhiên vẫn còn một số thắc mắc chưa rõ. Cho tôi hỏi: Điều kiện, thủ tục xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu được quy định như thế nào? Tôi gửi thắc mắc này đến các anh chị trong Ban biên tập Thư Ký Luật. Rất mong nhận được phản hồi của Quý ban. Trân trọng cảm ơn! Trọng Tuyển, Lao Cai

Điều kiện, thủ tục xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu được quy định tại Mục II  Phần C Thông tư 90/2008/TT-BNN hướng dẫn xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, theo đó:

II. ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC XỬ LÝ TANG VẬT

1. Thả động vật rừng lại nơi cư trú tự nhiên

a) Thả động vật rừng lại tự nhiên phải đảm bảo các điều kiện sau:

- Xác định được nơi cư trú tự nhiên của các cá thể động vật đó;

- Động vật khoẻ mạnh, có thể tái hoà nhập trong môi trường tự nhiên;

- Được sự đồng ý của chủ rừng nơi thả.

b) Thủ tục

- Xác nhận của cơ quan thú y xác định không mang mầm bệnh và hoàn toàn khoẻ mạnh;

- Quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền xử lý tang vật thả động vật rừng lại nơi cư trú tự nhiên hướng dẫn tại khoản 1, Mục I, Phần C Thông tư này;

- Người có thẩm quyền xử lý tang vật là động vật rừng tổ chức thả động vật rừng lại nơi cư trú tự nhiên với sự tham gia của đại diện cơ quan ra quyết định xử lý tang vật, chủ rừng, chính quyền địa phương cấp xã nơi thả. Khi thả lại nơi cư trú tự nhiên phải lập biên bản ghi rõ thành phần tham gia, người chứng kiến (nếu có), địa điểm thả, số lượng cá thể từng loài.

2. Chuyển giao

a) Điều kiện

Cơ quan, đơn vị muốn được chuyển giao động vật rừng có văn bản đề nghị tiếp nhận và đảm bảo các tiêu chuẩn về chuồng, trại và các điều kiện khác về chuyên môn, chuyên ngành theo quy định của pháp luật;

b) Thủ tục

- Quyết định chuyển giao tang vật của người có thẩm quyền hướng dẫn tại khoản 1, Mục I, Phần C Thông tư này;

- Lập biên bản chuyển giao và bảng kê động vật rừng kèm theo;

- Giấy phép vận chuyển theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức bán tang vật

a) Điều kiện

Trước khi quyết định bán đấu giá tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu phải có xác nhận của cơ quan thú y về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường của động vật rừng đó.

b) Thủ tục

Việc bán tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này và quy định của pháp luật về bán tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước.

4. Tiêu huỷ

a) Tiêu huỷ tang vật phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:

- Tiêu huỷ được áp dụng khi không thực hiện được các biện pháp xử lý khác, nếu để lại tang vật đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường;

- Việc tiêu huỷ phải đảm bản an toàn vệ sinh môi trường theo các quy định của pháp luật.

b) Thủ tục

- Quyết định xử lý tang vật sau khi xử lý tịch thu của người có thẩm quyền hướng dẫn tại khoản 1, Mục I, Phần C Thông tư này. Quyết định này xác định rõ tiêu huỷ 100% hoặc tiêu huỷ một phần tang vật. Trong mọi trường hợp tang vật bị bệnh phải tiêu huỷ 100%. Phần tang vật không tiêu huỷ phải xác định rõ biện pháp xử lý theo quy định tại Mục II hoặc Mục IV hoặc Mục V Phần B của Thông tư này;

- Người có thẩm quyền xử lý tiêu huỷ tang vật quyết định thành lập Hội đồng để xử lý tiêu huỷ với thành phần gồm: đại diện cơ quan ra quyết định xử lý tang vật, chính quyền địa phương cấp xã nơi tiêu huỷ, cơ quan thú y. Việc tiêu huỷ tang vật phải được lập biên bản ghi rõ thành phần Hội đồng, địa điểm tiêu huỷ, số lượng từng loại tang vật, có chữ ký của các thành viên Hội đồng xử lý.

5. Trả lại nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu

a) Trả tang vật lại nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu phải đảm bảo đủ các điều kiện sau:     

- Xác định chính xác nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu tang vật đó;

- Nước xuất khẩu hoặc nước tái xuất khẩu đồng ý tiếp nhận và chi trả toàn bộ chi phí cho hoạt động chuyển giao tang vật đó.

b) Thủ tục

Quyết định trả lại tang vật của Giám đốc cơ quan Quản lý CITES Việt Nam theo đề nghị của người có thẩm quyền quyết định xử phạt vi phạm hành chính tịch thu tang vật đó.

6. Kinh phí xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu

Chi phí xử lý tang vật (trừ quy định tại khoản 5, Mục II, Phần C của Thông tư này) được thanh toán từ nguồn thu xử lý tang vật đó theo quy định tại Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04 tháng 7 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; trường hợp nguồn thu không đủ thì Ngân sách Nhà nước đảm bảo theo quy định hiện hành.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về Điều kiện, thủ tục xử lý tang vật là động vật rừng sau khi xử lý tịch thu, được quy định tại Thông tư 90/2008/TT-BNN. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào