Quy định chuyển tiền từ nước ngoài với người định cư ở Việt Nam

Tôi có một người bạn ở Nhật đang có định hướng sang Việt Nam định cư. Vậy nếu anh ấy muốn nhập quốc tịch và định cư luôn ở Việt Nam có được không? Thủ tục cần những gì? Có được mua nhà đất hay không? Tiền của họ ở tài khoản ngân hàng Nhật được chuyển vào tài khoản ngân hàng Việt Nam bằng các thủ tục hợp pháp gì?
Khoản 2 Điều 8 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 quy định: “Ngoại tệ của người cư trú là cá nhân ở Việt Nam thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều được sử dụng cho mục đích cất giữ, mang theo người, gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán...
Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật quốc tịch Việt Nam, “công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập” nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

c) Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam;

d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;

đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam.

Theo quy định trên, nếu người bạn Nhật của bạn phải đáp ứng được các điều kiện nói trên thì được nhập quốc tịch Việt Nam.

Người bạn Nhật của bạn cũng có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không cần đáp ứng các điều kiện (c), (d), (đ) nếu người đó là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm: Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam; Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế; Bản khai lý lịch; Phiếu lý lịch tư pháp; Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt; Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam; Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam. Trường hợp được miễn một số điều kiện thì trong các giấy tờ tương ứng trong hồ sơ cũng được miễn.

Sau khi hoàn thiện hồ sơ, người có nhu cầu nhập quốc tịch gửi nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi (dự định) cư trú. Trong thời hạn 75 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ, nếu thấy đủ điều kiện nhập quốc tịch, Bộ Tư pháp sẽ gửi thông báo bằng văn bản cho người xin nhập quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là người không quốc tịch. Trong thời hạn tối đa là 40 ngày kể từ ngày nhận được giấy cho thôi quốc tịch nước ngoài và 50 ngày kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch nước sẽ xem xét, quyết định việc nhập quốc tịch của người bạn đó.

Theo quy định tại Điều 49 Hiến pháp năm 1992 thì “Công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là người có quốc tịch Việt Nam”. Cũng theo quy định tại Hiến pháp, công dân Việt Nam có các quyền: tự do đi lại và cư trú ở trong nước; sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, …; đối với quyền sử dụng đất, công dân sẽ được sở hữu theo quy định…

Nếu người bạn Nhật của bạn được nhập quốc tịch Việt Nam thì trở thành công dân Việt Nam và được hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam. Là công dân Việt Nam, người bạn của bạn đương nhiên có quyền định cư ở Việt Nam và có quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đối với công dân Việt Nam.

Về việc chuyển tiền từ Nhật Bản vào Việt Nam, khoản 2 Điều 8 Pháp lệnh ngoại hối năm 2005 quy định: “Ngoại tệ của người cư trú là cá nhân ở Việt Nam thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều được sử dụng cho mục đích cất giữ, mang theo người, gửi vào tài khoản ngoại tệ mở tại tổ chức tín dụng được phép hoặc bán cho tổ chức tín dụng được phép; trường hợp là công dân Việt Nam thì được gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép”.

Theo khoản 2 Điều 7 Nghị định số 160/2006/NĐ-CP ngày 28/12/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối về việc chuyển tiền một chiều từ nước ngoài vào Việt Nam thì: “Người cư trú là cá nhân có ngoại tệ thu được từ các khoản chuyển tiền một chiều được gửi vào tài khoản ngoại tệ, gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ, rút tiền mặt để cất giữ, mang theo người, bán cho tổ chức tín dụng được phép lấy đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ khác, sử dụng cho các mục đích theo quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan”.

Như vậy, nếu định cư ở Việt Nam, người bạn của bạn chỉ cần mở tài khoản ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép và tiến hành chuyển tiền từ tài khoản tại Nhật Bản vào tài khoản mới mở ở Việt Nam.

 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào