Phân công thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam
Phân công thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam được quy định tại Điều 11 Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 28/2014/NĐ-CP như sau:
1. Quyền, trách nhiệm của Chính phủ:
a) Ban hành Điều lệ, sửa đổi và bổ sung Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn;
b) Thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.
2. Quyền, trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ:
a) Quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh của Tập đoàn; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản Tập đoàn theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến tham gia của các Bộ: Tài chính, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
b) Quyết định điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động của Tập đoàn theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính;
c) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng và kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến thẩm định của Bộ Nội vụ;
d) Phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước. Phê duyệt chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác trên cơ sở đề nghị và thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội;
đ) Phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của Tập đoàn theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của Bộ Tài chính và thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
e) Phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới Tập đoàn theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Quyền, trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cấp trên trực tiếp của Hội đồng thành viên Tập đoàn có các quyền, trách nhiệm sau:
a) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành của Tập đoàn;
b) Quyết định lương của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành, quỹ lương hằng năm của viên chức quản lý sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
c) Phê duyệt danh mục các dự án đầu tư nhóm A, B hằng năm và thông báo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp, giám sát;
d) Phê duyệt chủ trương góp vốn, tỷ lệ nắm giữ, tăng, giảm vốn của Tập đoàn tại các doanh nghiệp khác; việc tiếp nhận doanh nghiệp tự nguyện tham gia làm công ty con, công ty liên kết của tập đoàn;
đ) Phê duyệt chủ trương vay, cho vay, mua, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ Tập đoàn; phê duyệt chủ trương vay nợ nước ngoài của Tập đoàn và đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, chấp thuận;
e) Đề nghị Bộ Tài chính phê duyệt Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn;
g) Chấp thuận để Hội đồng thành viên phê duyệt báo cáo tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ;
h) Trình Chính phủ ban hành Điều lệ, sửa đổi và bổ sung Điều lệ của Tập đoàn;
i) Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước; chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác của Tập đoàn;
k) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh của Tập đoàn; tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản Tập đoàn;
l) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định mức vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ của Tập đoàn theo quy định của pháp luật;
m) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên;
n) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của Tập đoàn;
o) Đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới Tập đoàn;
p) Chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan trong việc thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra việc chấp hành pháp luật; việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch; việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của Tập đoàn. Đánh giá việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, ngành, nghề kinh doanh được giao và kết quả hoạt động, hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tập đoàn. Đánh giá đối với Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên chuyên ngành, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng trong việc quản lý, điều hành của Tập đoàn;
q) Quyết định các vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Bộ quản lý ngành theo quy định của pháp luật;
r) Thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật, phân công của chủ sở hữu và Điều lệ này.
4. Quyền, trách nhiệm của Bộ Tài chính
a) Quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật Kiểm soát viên tài chính tại Tập đoàn và trả lương đối với chức danh này;
b) Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức vốn điều lệ và điều chỉnh vốn điều lệ của Tập đoàn trong quá trình hoạt động;
c) Phê duyệt Quy chế quản lý tài chính của Tập đoàn theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
d) Có ý kiến để Thủ tướng Chính phủ: Quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu và yêu cầu phá sản Tập đoàn; phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm của Tập đoàn (bao gồm chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm của Tập đoàn); phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước của Tập đoàn; phê duyệt chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị phụ thuộc khác của Tập đoàn; phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tập đoàn theo quy định của pháp luật;
đ) Có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp vốn, tỷ lệ nắm giữ, tăng, giảm vốn tại doanh nghiệp khác, việc tiếp nhận công ty con, công ty liên kết của Tập đoàn;
e) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát, kiểm tra thường xuyên và thanh tra theo quy định việc quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn đối với Tập đoàn.
g) Thẩm định và chấp thuận các khoản vay nợ nước ngoài của Tập đoàn sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật;
h) Thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật, phân công của chủ sở hữu nhà nước và Điều lệ này.
5. Quyền, trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Thẩm định để Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; việc tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản đối với Tập đoàn.
b) Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 05 năm của Tập đoàn.
c) Có ý kiến để Thủ tướng Chính phủ: Quyết định vốn điều lệ của Tập đoàn khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động; phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước; phê duyệt chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị phụ thuộc khác của Tập đoàn; phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tập đoàn theo quy định của pháp luật;
d) Có ý kiến với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc góp vốn, tỷ lệ nắm giữ, tăng, giảm vốn tại doanh nghiệp khác, việc tiếp nhận công ty con, công ty liên kết của Tập đoàn;
đ) Thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật, phân công của chủ sở hữu nhà nước và Điều lệ này.
6. Quyền, trách nhiệm của Bộ Nội vụ:
a) Thẩm định để Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật Chủ tịch Hội đồng thành viên của Tập đoàn;
b) Có ý kiến để Thủ tướng Chính phủ: Quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu và yêu cầu phá sản Tập đoàn; phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước của Tập đoàn; phê duyệt chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện, các đơn vị sự nghiệp và các đơn vị phụ thuộc khác của Tập đoàn; phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tập đoàn theo quy định của pháp luật;
c) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát, kiểm tra việc chấp hành quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ tại Tập đoàn;
d) Thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật, phân công của chủ sở hữu nhà nước và Điều lệ này.
7. Quyền, trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Có ý kiến để Thủ tướng Chính phủ: Quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; tổ chức lại, giải thể, chuyển đổi sở hữu và yêu cầu phá sản Tập đoàn; phê duyệt Đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước của Tập đoàn; phê duyệt chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị phụ thuộc khác của Tập đoàn; phê duyệt Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của Tập đoàn theo quy định của pháp luật;
b) Có ý kiến thỏa thuận để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định lương của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, Kiểm soát viên chuyên ngành tại Tập đoàn, quỹ lương hằng năm của Hội đồng thành viên Tập đoàn.
c) Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát, kiểm tra định kỳ hằng năm và thanh tra theo quy định việc thực hiện chế độ tuyển dụng, tiền lương, tiền thưởng của Tập đoàn;
d) Thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật, phân công của chủ sở hữu nhà nước và Điều lệ này.
8. Quyền, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong các lĩnh vực liên quan đối với Tập đoàn theo quy định của pháp luật.
9. Hội đồng thành viên Tập đoàn được chủ sở hữu giao thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Tập đoàn, trừ các quyền quy định từ Khoản 1 đến Khoản 7 Điều này.
Trên đây là quy định về Phân công thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 28/2014/NĐ-CP.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật