Nghi can trong vụ án đã chết, có khởi tố bị can?
Theo Khoản 7, Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết” là căn cứ để không khởi tố vụ án, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác. Như vậy, trong trường hợp Cơ quan điều tra nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự trong thời hạn 10 ngày, nếu xác nhận được người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết thì sẽ ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp vụ án vẫn có những người khác cần tái thẩm, điều tra làm rõ.
Khởi tố bị can không phải là một giai đoạn của tố tụng hình sự mà chỉ là một quyết định. Về nguyên tắc, cơ quan điều tra phải khởi tố vụ án trước khi khởi tố bị can – tức là phải xác định là có hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra rồi mới xác định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội. Chính vì vậy, khi người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, không khởi tố vụ án thì cũng không khởi tố bị can. Mục đích nhân văn của pháp luật là nhằm răn đe người phạm tội, cải tạo và định hướng họ trở lại cuộc sống đời thường, có ý nghĩa. Một người phạm tội và còn sống mới thực sự "phản ánh" những ý nghĩa cũng như tôn chỉ này của pháp luật. Vì vậy đối với một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội và đã chết thì không khởi tố vụ án hình sự, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.
Thư Viện Pháp Luật