Trách nhiệm của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Trách nhiệm của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được quy định tại Nghị định 141/2005/NĐ-CP về việc quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài và được hướng dẫn bởi Điểm 1 Mục I Thông tư liên tịch 03/2006/TTLT-BLĐTBXH-BNG, theo đó:
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp
1.1. Đối với người lao động:
a. Phổ biến đầy đủ những nội dung quy định tại Nghị định số 141/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là Nghị định 141) trong chương trình giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
b. Thông báo và phối hợp với đối tác nước ngoài (Công ty môi giới hoặc người sử dụng lao động) để đón và tiếp nhận người lao động tại cửa khẩu của nước sở tại. Trường hợp cần thiết, doanh nghiệp phải cử cán bộ cùng đi và phối hợp với phía nước ngoài đưa người lao động đến nơi làm việc;
c. Cung cấp cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài: Số điện thoại, địa chỉ của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại (Ban Quản lý lao động, Bộ phận lãnh sự); số điện thoại, địa chỉ, tên người đại diện của doanh nghiệp Việt Nam, công ty môi giới và người sử dụng lao động;
d. Trong thời hạn ba tháng, kể từ ngày người lao động nhập cảnh, doanh nghiệp phải cử cán bộ đến nơi làm việc để nắm tình hình việc làm, thu nhập, điều kiện sinh hoạt của người lao động và giải quyết những khó khăn vướng mắc ban đầu của người lao động;
đ. Giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động theo hợp đồng đã ký giữa các bên (giữa doanh nghiệp và người lao động, giữa người sử dụng lao động và người lao động); chủ động phối hợp với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại để giải quyết những vụ việc phát sinh liên quan đến người lao động vượt quá khả năng của doanh nghiệp;
Đối với những vụ việc phức tạp như người lao động bị chết, bị tai nạn nghiêm trọng có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng hoặc vụ việc phát sinh liên quan đến người lao động thì chậm nhất là 03 ngày, kể từ ngày phát sinh vụ việc, doanh nghiệp phải cử cán bộ trực tiếp phối hợp với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại để giải quyết.
1.2. Định kỳ hàng quý, báo cáo Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hoặc Ban quản lý lao động (ở những địa bàn có Ban quản lý lao động) theo nội dung sau:
a. Tình hình lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước sở tại (số liệu báo cáo theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này). Số vụ việc phát sinh, trong đó số vụ việc còn tồn đọng chưa giải quyết, lý do;
b. Việc thực hiện trách nhiệm của doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 141 và các quy định pháp luật khác có liên quan.
1.3. Kịp thời báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước và phối hợp với Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại để xử lý ngay sau khi phát hiện người lao động vi phạm quy định tại các Khoản 5, 6, 7 và 9 Điều 4 Nghị định 141.
1.4. Cung cấp toàn bộ hồ sơ trước khi xuất cảnh của người lao động có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định 141 cho Cục Quản lý lao động ngoài nước khi có yêu cầu.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Trách nhiệm của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, được quy định tại Nghị định 141/2005/NĐ-CP và được hướng dẫn bởi Thông tư liên tịch 03/2006/TTLT-BLĐTBXH-BNG. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật