Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới
Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị định 48/2009/NĐ-CP về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, theo đó:
Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới
1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, thực hiện thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức về giới, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 11 Nghị định số 70/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bình đẳng giới (sau đây gọi chung là Nghị định số 70/2008/NĐ-CP).
2. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội:
a) Chủ trì, phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các Bộ, ngành khác có liên quan xây dựng bộ tài liệu nguồn về giới và bình đẳng giới; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên về giới và bình đẳng giới;
b) Phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tổ chức thành viên khác của Mặt trận thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15, khoản 4 Điều 16 Nghị định số 70/2008/NĐ-CPvà các quy định tại Nghị định này.
3. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bồi dưỡng báo cáo viên pháp luật cấp trung ương kiến thức về giới và chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành khác có liên quan bồi dưỡng kiến thức, pháp luật về giới và bình đẳng giới cho những người làm công tác thông tin, truyền thông.
5. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành khác có liên quan rà soát chương trình, tài liệu giảng dạy để loại bỏ những kiến thức, thông tin, hình ảnh thể hiện định kiến giới; định kỳ tổ chức tập huấn kiến thức về giới, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đội ngũ giáo viên thuộc hệ thống cơ sở đào tạo của từng ngành.
6. Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giới, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ, nhân dân địa phương; chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền ở địa phương dành thời lượng thích hợp cho việc thông tin, tuyên truyền về giới và bình đẳng giới trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo cơ quan tư pháp địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan bồi dưỡng kiến thức về giới và chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cấp huyện và tuyên truyền viên pháp luật cấp cơ sở.
7. Nhà trường, cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức khác, lực lượng vũ trang nhân dân có trách nhiệm thực hiện chương trình giáo dục lồng ghép kiến thức về giới và bình đẳng giới; nghiên cứu, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các chương trình giáo dục về giới hoặc lồng ghép kiến thức về giới và bình đẳng giới phù hợp với yêu cầu của từng cấp học, trình độ đào tạo và nhu cầu của người học.
8. Các cơ quan thông tin đại chúng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm dành thời lượng tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới; chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng chuyên trang, chuyên mục, tin, bài về bình đẳng giới; giới thiệu mô hình, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong việc thực hiện bình đẳng giới; phê phán các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
9. Các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về giới, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới trong phạm vi trách nhiệm của mình.
10. Công dân Việt Nam có trách nhiệm học tập nâng cao hiểu biết, nhận thức về giới và bình đẳng giới; tham gia tuyên truyền, giáo dục, vận động thành viên gia đình thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới, được quy định tại Nghị định 48/2009/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật