Những thủ tục cần thiết khi mở công ty kinh doanh thực phẩm
Để công ty kinh doanh về thực phẩm được thành lập và hoạt động theo đúng quy định pháp luật, bạn cần thực hiện theo trình tự 2 thủ tục sau đây:
I. Thành lập công ty
Về hồ sơ thành lập công ty kinh doanh thực phẩm gồm có (căn cứ Nghị định số 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp ngày 14 tháng 09 năm 2015 của Chính phủ):
1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp theo mẫu có sẵn.
2. Điều lệ công ty.
3. Danh sách thành viên công ty
4. Bản sao hợp lệ các giấy tờ sau đây:
a) Một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân bao gồm: Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu Việt Nam còn hiệu lực đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân;
b) Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân quy định nêu trên của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;
c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với trường hợp doanh nghiệp được thành lập hoặc tham gia thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn thi hành.
5. Giấy ủy quyền của người đại diện thực hiện các thủ tục trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
6. Và một số giấy tờ khác theo yêu cầu của pháp luật.
Bạn nộp hồ sơ này đến Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Thời gian thành lập doanh nghiệp: trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Lệ phí đăng ký doanh nghiệp: 200.000 đồng/lần (Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)
Công bố thông tin nội dung doanh nghiệp: 300.000 đồng/lần.
Sau thành lập:
1. Nộp thuế môn bài theo mức quy định về vốn điều lệ.
2. Đăng ký nộp báo cáo thuế hàng tháng (thời gian nộp trước 20 hàng tháng), báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán thuế hàng năm.
3. In hóa đơn nếu cần.
4. Đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm.
II. Đăng ký các giấy phép kèm theo
1. Quy trình đăng ký vệ sinh an toàn thực phẩm
Bước 1: Cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm gửi hồ sơ về Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm
Bước 2: Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tiếp nhận hồ sơ và trả giấy biên nhận cho cơ sở.
Bước 3: Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm thẩm định hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa hợp lệ thì phải có công văn yêu cầu bổ sung và hoàn thiện hồ sơ theo quy định và phải ghi trên giấy biên nhận ngày nhận hồ sơ bổ sung.
Bước 4: Nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trong vòng 15 ngày làm việc phải tổ chức thầm định kiểm tra cơ sở và lập biên bản thẩm định. Kết luận ghi rõ “Đạt” hay “Không đạt” để trên cơ sở đó cấp giấy chứng nhận.
Bước 5: Trả kết quả cho cơ sở.
Thành phần hồ sơ: 01 bộ
Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận (theo mẫu)
Bản sao chứng nhận giấy đăng ký kinh doanh (kèm theo bản gốc để đối chiếu).
Bản thuyết minh về cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm
Giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe của chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (photo công chứng hoặc bản gốc).
Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm của chủ cơ sở và của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm (photo công chứng).
2. Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm
Thiết kế logo, tên sản phẩm, quy cách sản phẩm.
3. Đăng ký công bố chất lượng sản phẩm phụ gia thực phẩm:
Hồ sơ bao gồm:
Giấy phép kinh doanh (bản sao công chứng).
Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm (bản sao công chứng).
Phiếu kết quả kiểm nghiệm sản phẩm (về chỉ tiêu Lý hóa, chỉ tiêu vi sinh, chỉ tiêu kim loại nặng).
Nhãn sản phẩm và dự thảo nội dung ghi nhãn phụ.
Mẫu sản phẩm.
Thư Viện Pháp Luật