Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ Tư pháp

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ Tư pháp được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi hiện đang công tác tại một đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Tôi rất quan tâm tới các quy định pháp luật về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp, cũng như các quy định pháp lý liên quan. Tôi có một thắc mắc như trên. Rất mong nhận được câu trả lời của Quý anh chị. Cho tôi hỏi luôn văn bản pháp luật nào quy định về điều này? Cảm ơn Quý anh chị rất nhiều! Thân. Nguyễn Trung Nhân, địa chỉ mail trung_nhan_89****@gmail.com

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ Tư pháp được hướng dẫn tại Điều 6 Nghị định 54/2014/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Tư pháp, theo đó:

Thanh tra Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 18 Luật Thanh tra và các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động thanh tra ngành Tư pháp; tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật khác do Bộ trưởng Bộ Tư pháp giao.

2. Hướng dẫn các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Tư pháp xây dựng kế hoạch thanh tra chuyên ngành. Căn cứ Định hướng chương trình thanh tra, hướng dẫn của Tổng Thanh tra Chính phủ, yêu cầu công tác quản lý của ngành Tư pháp và đề xuất kế hoạch thanh tra của các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Tư pháp, Thanh tra Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch thanh tra hằng năm trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt.

3. Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành tư pháp đối với cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Tư pháp, Thanh tra Sở Tư pháp; hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp thực hiện các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyếtkhiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

4. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cho thanh tra viên, công chức làm công tác thanh tra và cộng tác viên thanh tra.

5. Yêu cầu cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành Tư pháp báo cáo về công tác thanh tra thuộc phạm vi quản lý của mình; Thanh tra Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo về công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của Sở Tư pháp.

6. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chánh Thanh tra Bộ Tư pháp.

7. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo, biện pháp xử lý tố cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp.

8. Chủ trì Đoàn thanh tra liên ngành hoặc tham gia các Đoàn thanh tra liên ngành do bộ, ngành thành lập.

9. Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.

10. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật  về Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra Bộ Tư pháp, được quy định tại Nghị định 54/2014/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn. 

Trân trọng!

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Bộ Tư pháp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào