Thực hiện bồi thường, tạm hoãn thực hiện bồi thường trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thực hiện bồi thường, tạm hoãn thực hiện bồi thường trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được hướng dẫn tại Điều 27 Nghị định 84/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, theo đó:
1. Người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại phải thực hiện bồi thường một lần trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định về bồi thường thiệt hại.
Trường hợp số tiền bồi thường không thể nộp một lần thì sau khi trừ phần đã nộp ngay, số tiền còn lại được trả dần trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày có quyết định về bồi thường thiệt hại. Nếu người có nghĩa vụ bồi thường không đủ khả năng bồi thường thì phải trừ 20% (hai mươi phần trăm) tiền lương hàng tháng cho đến khi bồi thường đủ theo quyết định của người có thẩm quyền.
2. Người chưa hoàn thành bồi thường mà chuyển công tác, thôi việc hoặc nghỉ hưu thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi ra quyết định bồi thường thiệt hại có trách nhiệm yêu cầu người đó phải bồi thường phần còn thiếu trước khi chuyển công tác, thôi việc hoặc nghỉ hưu. Trường hợp người có nghĩa vụ bồi thường chưa có điều kiện trả ngay phần còn thiếu hoặc cố tình trì hoãn, trốn tránh việc thực hiện bồi thường thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức nơi ra quyết định bồi thường thiệt hại có thể phối hợp với cơ quan, tổ chức nơi tiếp nhận công tác hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú để yêu cầu người đó tiếp tục thực hiện bồi thường.
3. Các cơ quan, tổ chức nơi tiếp nhận hoặc chính quyền địa phương nơi cư trú của người có nghĩa vụ bồi thường chưa có điều kiện chi trả hoặc cố tình trì hoãn, trốn tránh phải có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức nơi người đó trước đây công tác trong việc yêu cầu người đó tiếp tục thực hiện trách nhiệm bồi thường.
4. Tạm hoãn thực hiện bồi thường:
a) Người có nghĩa vụ thực hiện bồi thường được tạm hoãn thực hiện bồi thường trong các trường hợp sau:
- Đang điều trị tại các bệnh viện, phụ nữ trong thời kỳ nghỉ thai sản;
- Gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế khác được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận;
- Đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận về hành vi vi phạm pháp luật khác.
b) Thời gian tạm hoãn thực hiện bồi thường như sau:
- Tối đa không quá 06 tháng đối với trường hợp đang điều trị tại các bệnh viện, phụ nữ trong thời kỳ nghỉ thai sản; gia đình thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, gia đình đang trong hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế do thiên tai, hỏa hoạn hoặc các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế khác được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú xác nhận;
- Tối đa bằng thời gian tạm giam, tạm giữ đối với trường hợp đang bị tạm giam, tạm giữ chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền điều tra, xác minh và kết luận về hành vi vi phạm pháp luật khác.
c) Người có thẩm quyền ra quyết định về bồi thường thiệt hại xem xét quyết định việc tạm hoãn thực hiện bồi thường quy định tại Khoản 4 Điều này.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Thực hiện bồi thường, tạm hoãn thực hiện bồi thường trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, được quy định tại Nghị định 84/2014/NĐ-CP. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật