Quyền riêng tư chỗ ở của bạn được luật bảo vệ như thế nào?
Điều 124 Bộ luật Hình sự 1999 quy định về tội Xâm phạm chỗ ở của công dân như sau:
“1. Người nào khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác, đuổi trái pháp luật người khác khỏi chỗ ở của họ hoặc có những hành vi trái pháp luật khác xâm phạm quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.
Theo đó những hành vi bị coi là xâm phạm chỗ ở của người khác bao gồm:
- Khám xét trái pháp luật chỗ ở của người khác;
- Đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ
- Những hành vi khác xâm phạm đến quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở của công dân.
Việc người chủ nợ huy động một số người đến đuổi em bạn ra khỏi nhà và chiếm căn nhà đó là hành vi “đuổi trái pháp luật người khác ra khỏi chỗ ở của họ” nên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo Điều 124 Bộ luật hình sự.
Những trường hợp không được phép khám xét chỗ ở của công dân
Theo khoản 1 Điều 140 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm được quy định như sau: “Việc khám người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm chỉ được tiến hành khi có căn cứ để nhận định trong người, chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm của một người có công cụ, phương tiện phạm tội, đồ vật, tài sản do phạm tội mà có hoặc đồ vật, tài liệu khác có liên quan đến vụ án... Việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm cũng được tiến hành khi cần phát hiện người đang bị truy nã”.
Như vậy, khi có đủ các căn cứ theo quy định vừa trích dẫn ở trên, cơ quan nhà nước có thẩm quyền nói chung và cơ quan công an nói riêng được phép khám xét chỗ ở của công dân. Việc khám xét phải tuân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 143 của Bộ luật tố tụng hình sự, việc khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm được tiến hành theo quy định tại các Điều 140, 141 và 142. Theo đó, khi bắt đầu khám chỗ ở, người khám xét phải đọc lệnh khám và đưa cho đương sự đọc lệnh khám đó; giải thích cho đương sự và những người có mặt biết quyền và nghĩa vụ của họ. Người tiến hành khám phải yêu cầu đương sự đưa ra những đồ vật, tài liệu có liên quan đến vụ án, nếu đương sự từ chối thì tiến hành khám.
- Khi khám chỗ ở, địa điểm phải có mặt người chủ hoặc người đã thành niên trong gia đình họ, có đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến; trong trường hợp đương sự và người trong gia đình họ cố tình vắng mặt, bỏ trốn hoặc đi vắng lâu ngày mà việc khám xét không thể trì hoãn thì phải có đại diện chính quyền và hai người láng giềng chứng kiến.
- Không được khám chỗ ở vào ban đêm, trừ trường hợp không thể trì hoãn, nhưng phải ghi rõ lý do vào biên bản.
- Khi tiến hành khám chỗ ở, chỗ làm việc, địa điểm những người có mặt không được tự ý rời khỏi nơi đang bị khám, không được liên hệ, trao đổi với nhau hoặc với những người khác cho đến khi khám xong.
Như vậy, công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Mọi hành vi xâm phạm đều phải tuân theo quy định của pháp luật. Người nào xâm phạm chỗ ở của người khác trái pháp luật thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm chỗ ở của công dân theo Điều 124 Bộ luật hình sự 1999 với mức phạt đến 3 năm tù.
Thư Viện Pháp Luật