Thủ tục đổi chứng minh thư
Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP ngày 3/2/1999 của Chính phủ quy định về chứng minh nhân dân thì những trường hợp sau đây phải làm thủ tục đổi CMND: CMND hết thời hạn sử dụng (hiện nay quy định thời hạn sử dụng là 15 năm, kể từ ngày cấp); CMND hư hỏng không sử dụng được; thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh; thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thay đổi đặc điểm nhận dạng.
Cũng theo quy định tại Nghị định 5/1999/NĐ-CP thì “cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú” là cơ quan có thẩm quyền làm thủ tục cấp mới, đổi, cấp lại CMND. Như vậy, công dân thuộc diện được cấp CMND hiện đăng ký hộ khẩu thường trú thuộc địa phương nào thì đến Công an cấp huyện nơi đó làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại CMND.
Trong trường hợp của bạn, bạn chưa có hộ khẩu thường trú tại TP HCM nên để đổi CMND đã hết hạn, bạn phải về Thanh Hóa, đến công an huyện nơi bạn đang đăng ký hộ khẩu thường trú để làm thủ tục đổi CMND mới.
Thông tư 4/1999/TT-BCA ngày 29/4/1999 của Bộ Công an hướng dẫn một số quy định của Nghị định 05/1999/NĐ-CP quy định về thủ tục đổi CMND như sau:
- Đơn trình bày rõ lý do đổi CMND hoặc cấp lại, có xác nhận của Công an phường, xã, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, ảnh dán vào đơn và đóng dấu giáp lai;
- Xuất trình hộ khẩu thường trú (sổ hộ khẩu gia đình hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể). Ở những địa phương chưa cấp hai loại sổ hộ khẩu trên, Công an nơi làm thủ tục cấp CMND căn cứ vào sổ đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đăng ký hộ khẩu thường trú của Công an xã, phường, thị trấn;
- Chụp ảnh (như trường hợp cấp mới);
- Kê khai tờ khai cấp chứng minh nhân dân theo mẫu;
- Vân tay hai ngón trỏ có thể in vào tờ khai theo mẫu hoặc cơ quan Công an thu vân tay hai ngón qua máy lấy vân tay tự động để in vào tờ khai và CMND;
- Nộp lệ phí;
Các trường hợp đổi CMND phải nộp lại giấy CMND đã hết hạn sử dụng cho cơ quan Công an ngay khi làm thủ tục đổi để lưu chung với hồ sơ.
Thư Viện Pháp Luật