Xây nhà trên đất nông nghiệp có bị cưỡng chế tháo dỡ không?

Xây nhà trên đất nông nghiệp có bị cưỡng chế tháo dỡ không? Tôi có mua mảnh đất nông nghiệp tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, Tp HCM. và xây dựng 1 phần của lô đất để xây nhà và đã dọn vào ở, nay tôi nhận được biên bản của phường yêu cầu tháo dỡ nếu k sẽ cưỡng chế. Tôi xin hỏi là trong trường hợp tôi đã dọn vào ở rồi thì bên phường có được ra quyết định yêu cầu tháo dỡ không? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn!

Do không rõ đất nông nghiệp mà bạn mua là đất trồng lúa hay đất nông nghiệp không phải đất trồng lúa nên tùy vào từng mục đích sử dụng đất và bạn sử dụng đất sai mục đích thì sẽ bị xử phạt ở một mức khác nhau.

Đối với trường hợp bạn xây dụng công trình trên đất nông nghiệp là đất trồng lúa thì sẽ bị coi là sử dụng đất sai mục đích và có thể bị xử phạt theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 6 Nghị định 102/2014/NĐ-CP về chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép:

"3. Chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ trên 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;

c) Phạt tiền từ trên 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này."

Đối với trường hợp bạn xây dựng trên đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa thì bạn sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 2, 3 Điều 8 Nghị định 102/2014/NĐ-CP:

"2. Chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ trên 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;

c) Phạt tiền từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này;

b) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này."

Nhìn chung, đối với cả hai trường hợp thì đối với hình thức xử phạt bổ sung thì bạn buộc phải khôi phục lại tình trạng đất ban đầu, tức là phải tháo dỡ công trình đã xây trên đất. Nên việc bạn có chuyển vào ở hay không thì có vi phạm cơ quan có thẩm quyền sẽ có quyền xử lý, nếu bạn không tự nguyện tháo dỡ thì hoàn toàn có thể áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình.

Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc cưỡng chế tháo dỡ nhà trên đất nông nghiệp. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 102/2014/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào