Hình phạt trục xuất khi không áp dụng là hình phạt chính
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật hình sự, thì hình phạt trục xuất chỉ áp dụng đối với người nước ngoài bị Tòa án nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kết án, buộc họ rời khỏi lãnh thổ Việt Nam
Trong trường hợp Tòa án không áp dụng hình phạt trục xuất là hình phạt chính đối với người bị kết án mà xét thấy cần buộc người bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam, thì áp dụng hình phạt này là hình phạt bổ sung. Vấn đề đặt ra là trong trường hợp nào Tòa án áp dụng hình phạt trục xuất là hình phạt bổ sung mà không áp dụng là hình phạt chính và việc thi hành hình phạt này như thế nào?
Về lý thuyết, nếu người bị kết án bị áp dụng hình phạt chính là hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân, thì việc áp dụng hình phạt bổ sung là hình phạt trục xuất không còn ý nghĩa nữa, vì các hình phạt chính trên nhằm giáo dục cải tạo người bị kết án trở thành người có ích cho xã hội, nếu người trục xuất bị kết án ra khỏi Việt Nam thì các hình phạt chính mất hết ý nghĩa, do đó Tòa án chỉ có thể áp dụng hình phạt trục xuất là hình phạt bổ sung khi hình phạt chính đối với người bị kết án là hình phạt cảnh cáo và phạt tiền. Nếu là hình phạt cảnh cáo thì việc trục xuất người bị kết án ra khỏi Việt Nam không có vấn đề gì vướng mắc, nhưng nếu là hình phạt tiền thì việc trục xuất người bị kết án chỉ có thể được thực hiện khi người bị kết án nộp đủ số tiền phạt. Việc buộc người bị kết án nộp đủ tiền phạt sau đó mới trục xuất, trong nhiều trường hợp sẽ ảnh hưởng đến tính thời sự của việc trục xuất, bởi vì khi Tòa án xét thấy cần áp dụng hình phạt trục xuất là phải tính đến khả năng không thể để người bị kết án ở lại Việt Nam lâu hơn.
Thư Viện Pháp Luật