Làm sao để thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán ra nước ngoài
Trước hết, về mặt lý thuyết, tôi khẳng định tài sản ở nước ngoài có nguồn gốc từ tiền tham nhũng có thể bị kê biên và tịch thu. Trên thế giới hiện nay nhiều quốc gia sử dụng một số phương thức cơ bản để thu hồi tài sản như: Thu hồi tài sản dựa trên kết án hình sự; hai là thu hồi không dựa trên kết án hình sự; ba là thu hồi tài sản thông qua quyết định hành chính; Bốn là khởi kiện dân sự để thu hồi tài sản.
Tuy nhiên, cả bốn phương thức nêu trên đều gặp nhiều trở ngại, đó là: Việt Nam và quốc gia nơi có tài sản tham nhũng có hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và lĩnh vực thi hành án dân sự hay không? Việt Nam và quốc gia nơi có tài sản có áp dụng cơ chế có đi, có lại không? Bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có được cho thi hành ở nước sở tại hay không?..
Như vậy để thu hồi tài sản bị thất thoát ở nước ngoài, Việt Nam chỉ có thể dựa trên các cơ sở pháp lý sau:
Một là có hiệp định tương trợ tư pháp đã có hiệu lực đầy đủ với quốc gia nơi có tài sản. Theo đó,Việt Nam có quyền yêu cầu quốc gia nơi có tài sản tham nhũng trực tiếp quyết định thu hồi tài sản hoặc thực thi quyết định thu hồi tài sản của nhà nước Việt Nam. Quốc gia có tài sản của người tham nhũng cũng có thể tự mình tiến hành thủ tục để xác minh nguồn gốc bất hợp pháp của tài sản và theo thủ tục pháp lý của quốc gia này, trả lại tài sản tham nhũng cho nhà nước Việt Nam;
Hai là, căn cứ vào Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam đã phê chuẩn từ năm 2009. Công ước quy định các nguyên tắc về thu hồi tài sản tham nhũng, quy định về phòng ngừa, phát hiện tài sản tham nhũng và quy định về biện pháp thu hồi.
Theo đó việc thu hồi sẽ có thể thực hiện trên các phương thức: Thu hồi trực tiếp; Phòng ngừa và phát hiện việc chuyển tài sản do phạm tội mà có, thông qua Hợp quốc tế;
Các biện pháp thu hồi tài sản trực tiếp: Thứ nhất, cho phép quốc gia thành viên khác khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án để xác định quyền hay quyền sở hữu đối với tài sản có được qua việc thực hiện các tội tham nhũng; Thứ hai, cho phép Tòa án hay các cơ quan chức năng khác của mình khi ra quyết định tịch thu, công nhận Việt Nam là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản có được do phạm tội tham nhũng.
Tuy nhiên, việc thực hiện các biện pháp trên của Công ước có thể yêu cầu phải ban hành hay sửa đổi pháp luật của Việt Nam quy định về thủ tục tố tụng dân sự, hành chính hay các quy định về quyền tài phán.
Cơ chế thu hồi tài sản thông qua hợp tác quốc tế trong tiến hành tịch thu: Phương thức này cho phép các cơ quan có thẩm quyền nước thành viên công ước phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản khi có yêu cầu của nhà nước Việt Nam trong trường hợp có đủ căn cứ đồng thời tịch thu không cần kết án hình sự.
Trả lại và xử lý tài sản: Việc trả lại tài sản cho nước gốc theo quy định tại Điều 57 của Công ước là một vấn đề rất nhạy cảm và phức tạp khi phải tính đến nhiều khía cạnh: Kỹ thuật, kinh tế, chính tri, xã hội…
Tóm lại, việc thu hồi tài sản tham nhũng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam là một quy trình phức tạp, không hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam mà còn dựa trên quan hệ ngoại giao song phương, vấn đề chính trị, kinh tế của quốc gia nơi có tài sản, cơ chế có đi có lại, việc tôn trọng và tuân thủ của Việt Nam trong quá trình thực thi Công ước về chống tham nhũng từ trước đến nay…
Ngoài ra đối tượng tham nhũng có thể hình thành tài sản, tài khoản ở những nơi chưa tham gia công ước LHQ về chống tham nhũng, chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp với Việt Nam hoặc chưa từng có tiền lệ tịch thu và hoàn trả cho nước gốc tài sản tham nhũng là những rào cản cho quá trình thu hồi./.
Thư Viện Pháp Luật