Trình tự, thủ tục bổ nhiệm phó hiệu trưởng trường mầm non
Căn cứ Điều 7 Quyết định 27/2003/QĐ-TTg quy định tình tự bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo như sau:
1. Cơ quan, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương, số lượng và dự kiến phân công công tác đối với chức vụ sẽ bổ nhiệm.
2. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền đồng ý, lãnh đạo đơn vị đề xuất nhân sự cụ thể qua các bước sau:
a- Đối với nguồn nhân sự tại chỗ:
- Thủ trưởng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất phương án nhân sự căn cứ vào nguồn cán bộ trong quy hoạch hoặc ý kiến giới thiệu của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị;
- Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận, lựa chọn giới thiệu nhân sự trên cơ sở nhận xét đánh giá tín nhiệm của cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị. Khi bổ nhiệm một chức vụ có thể giới thiệu từ 1 đến 3 người để lựa chọn;
- Tổ chức họp lấy ý kiến của cán bộ chủ chốt cơ quan, đơn vị để trao đổi, thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ, công chức bổ nhiệm; thông báo danh sách cán bộ, công chức được lãnh đạo giới thiệu; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; cán bộ, công chức được giới thiệu trình bày ý kiến về thực hiện nhiệm vụ nếu được bổ nhiệm và trả lời những vấn đề có liên quan;
- Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị xem xét kết luận những vấn đề mới nảy sinh (nếu có);
- Đảng ủy hoặc Thường vụ Đảng uỷ cơ quan có ý kiến bằng văn bản về nhân sự được đề nghị bổ nhiệm;
- Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận và biểu quyết. Người được đề nghị bổ nhiệm phải được đa số các thành viên trong tập thể lãnh đạo tán thành. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị ra quyết định bổ nhiệm cán bộ, công chức hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét bổ nhiệm.
b- Đối với nguồn nhân sự từ nơi khác:
- Lãnh đạo cơ quan, đơn vị đề xuất nhân sự hoặc cấp có thẩm quyền giới thiệu;
- Tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị thảo luận thống nhất về chủ trương và tiến hành một số công việc sau: đại diện lãnh đạo cơ quan gặp cán bộ, công chức được đề nghị bổ nhiệm trao đổi về yêu cầu nhiệm vụ công tác; làm việc với cấp uỷ và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức đang công tác để trao đổi ý kiến về nhu cầu bổ nhiệm, tìm hiểu và xác minh lý lịch của cán bộ, công chức; trao đổi kết quả làm việc với cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức công tác; lấy ý kiến của cấp uỷ cơ quan về việc bổ nhiệm cán bộ, công chức; thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết; thủ trưởng cơ quan, đơn vị tiếp nhận và quyết định bổ nhiệm hoặc đề nghị cấp trên xem xét bổ nhiệm.
3. Đối với các trường hợp đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm phải làm tờ trình kèm theo các hồ sơ cần thiết theo quy định hiện hành.”
Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, hiện tại bạn đang dạy học tại trường mầm non, nay trường bạn đang thiếu phó hiệu trưởng mà bạn đang là nguồn cán bộ quy hoạch của trường đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt; trường bạn đã có tờ trình xin ủy ban nhân dân cấp huyện cho chủ trưởng để bổ nhiệm bạn vào chức danh phó hiệu trưởng; nhưng ủy ban nhân dân huyện lại trả lời đối với trường hợp của trường bạn thì việc lựa chọn nhân sự do phòng giáo dục và phòng nội vụ lựa chọn; việc trả lời như vậy là không đúng theo trình tự, thủ tục bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo theo quy định trên.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về trình tự, thủ tục bổ nhiệm phó hiệu trưởng trường mầm non. Bạn nên tham khảo chi tiết Quyết định 27/2003/QĐ-TTg để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật