Nghỉ thai sản có được hưởng phụ cấp đứng lớp không?
Khoản 2 Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC quy định áp dụng phụ cấp ưu đãi trong ngành giáo dục đào tạo như sau:
a) Đối tượng quy định tại khoản 1 mục này đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây gọi tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP) vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo (các ngạch có 2 chữ số đầu của mã số ngạch là 15) thì được hưởng phụ cấp ưu đãi. Riêng đối tượng quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 mục này không nhất thiết phải xếp vào các ngạch viên chức thuộc ngành giáo dục và đào tạo;
b) Đối tượng quy định tại khoản 1 mục này không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi trong các thời gian sau:
- Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP;
- Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;
- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên;
- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Điều lệ bảo hiểm xã hội hiện hành;
- Thời gian bị đình chỉ giảng dạy.
Như vậy, theo quy định, thì thời gian nghỉ thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội 2014 thì không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi do đó thời gian nghỉ thai sản theo đúng thời hạn tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 vẫn được tính hưởng phụ cấp ưu đãi.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về việc hưởng phụ cấp đứng lớp khi nghỉ thai sản. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật