Biện pháp đảm bảo an toàn về điện đối với khu vực y tế

Biện pháp đảm bảo an toàn về điện đối với khu vực y tế được quy định thế nào? Chào Ban biên tập Thư ký luật, tôi là Quang, đang sinh sống tại Thanh Hóa. Tôi có một thắc mắc rất mong nhận được câu trả lời của Ban biên tập. Ban biên tập cho tôi hỏi biện pháp đảm bảo an toàn về điện đối với khu vực y tế được quy định thế nào? Vấn đề này được quy định ở đâu? Rất mong nhận được câu trả lời của Ban biên tập. Xin cám ơn. (Thanh Quang_096***)

Biện pháp đảm bảo an toàn về điện đối với khu vực y tế được quy định cụ thể tại Mục 2.10.5.4 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12:2014/BXD về Hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng, theo đó:

a) Biện pháp bảo vệ bằng bọc cách điện hoặc rào chắn là biện pháp chủ yếu.

b) Trường hợp sử dụng SELV và PELV trong các khu vực các nhóm 1 và 2 thì điện áp danh định của các thiết bị điện không được vượt quá 25 V. Trong các khu vực nhóm 2, các vỏ kim loại của thiết bị phải nối vào vòng đẳng thế.

c) Biện pháp bảo vệ bằng vật cản và bằng cách đặt ngoài giới hạn thể tích trong tầm với không được áp dụng.

d) Giới hạn điện áp an toàn được chấp nhận không lớn hơn 25 V.

đ) Mạch điện cuối cùng của sơ đồ TN-S trong khu vực thuộc nhóm 1 với dòng điện đến 32 A phải có RCD với dòng điện tác động không lớn hơn 30 mA. Trong các khu vực thuộc nhóm 2, không được dùng RCD với dòng điện tác động không quá 30 mA trừ các mạch điện cấp cho bàn mổ; các thiết bị X quang di động được đưa vào khu vực thuộc nhóm 2; các thiết bị có công suất danh định lớn hơn 5 kVA; các thiết bị không quan trọng (không liên quan đến duy trì sự sống của con người).

Trong các khu vực thuộc các nhóm 1 và 2 không được dùng các RCD ngoài loại A và B;

e) Đối với sơ đồ TT: Trong các khu vực thuộc các nhóm 1 và 2 phải thực hiện mọi quy định nêu tại Điểm đ và trong tất cả các trường hợp đó đều phải dùng RCD;

g) Đối với sơ đồ IT: Phải dùng sơ đồ IT cho các mạch cấp điện cho các thiết bị điện y tế có tính chất quyết định đến sinh mạng của bệnh nhân, các thiết bị phẫu thuật và thiết bị trong không gian xung quanh bệnh nhân (là không gian mà bệnh nhân có thể chạm trực tiếp hoặc qua người khác chạm vào các bộ phận của thiết bị điện y tế) trong các khu vực thuộc nhóm 2 (ngoài những thiết bị thuộc nhóm 2 nêu tại Điểm đ).

Mỗi nhóm phòng có cùng một chức năng phải dùng một sơ đồ IT riêng biệt. Trong sơ đồ IT phải có thiết bị giám sát cách điện đáp ứng các yêu cầu sau:

- Tổng trở xoay chiều của thiết bị giám sát không được nhỏ hơn 100 kΩ;

- Điện áp đo của thiết bị giám sát không được lớn hơn 25 V một chiều;

- Dòng điện đo, ngay cả khi có sự cố cũng không được lớn hơn 1 mA;

- Khi điện trở cách điện của mạch điện được giám sát giảm xuống còn 50 kΩ thì thiết bị giám sát phải cảnh báo; phải có thiết bị để xác định vị trí hư hỏng cách điện.

Mỗi sơ đồ IT dùng trong khu vực y tế phải có tín hiệu cảnh báo bằng âm thanh và ánh sáng đặt tại chỗ nhân viên của đơn vị y tế có thể giám sát được; phải có bộ phận kiểm soát quá tải và nhiệt độ máy biến áp chuyên dùng cho y tế trong sơ đồ IT;

h) Trong mỗi khu vực y tế thuộc các nhóm 1 và 2 phải có vòng đẳng thế phụ trong không gian xung quanh bệnh nhân.

Trên đây là tư vấn về biện pháp đảm bảo an toàn về điện đối với khu vực y tế. Để hiểu rõ hơn bạn nên tham khảo tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 12:2014/BXD về Hệ thống điện của nhà ở và nhà công cộng.

Trân trọng!

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào