Quyết định hình phạt dựa vào các tình tiết giảm nhẹ và tình tiết tăng nặng
Theo quy định tại Điều 45 Bộ luật hình sự, thì khi quyết định hình phạt, Tòa án không chỉ căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, mà còn phải căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự. Như vậy, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ quyết định hình phạt
Tội phạm là một hiện tượng xã hội. Tội phạm xảy ra, xâm phạm đến các quan hệ xã hội khác nhau có tính chất và mức độ nguy hiểm khác nhau, nhưng nếu cùng xâm phạm đến một mối quan hệ xã hội, thì mỗi hành vi phạm tội cũng có tính chất và mức độ nguy hiểm khác nhau. Nếu tính chất và mức độ xâm phạm như nhau thì vẫn có những yếu tố khác nhau như: nhân thân người xâm phạm, không gian, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh lúc phạm tội, v.v.. Chính do sự khác nhau này mà nhà làm luật không thể quy định mức hình phạt cụ thể cho từng hành vi phạm tội mà chỉ quy định khung hình phạt cụ thể cho từng hành vi phạm tội mà chỉ quy định khung hình phạt cho một nhóm hành vi giống nhau cơ bản về chất nhưng khác nhau về số lượng. Sự khác nhau về lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố và được nhà làm luật quy định thành hai nhóm tình tiết có nội dung ý nghĩa trái ngược nhau.
Nếu các yếu tố nào làm thay đổi mức độ của hành vi phạm tội theo hướng ít nghiêm trọng hơn, thì gọi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, còn những yếu tố nào làm thay đổi mức độ của hành vi phạm tội theo hướng nghiêm trọng hơn, thì gọi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Các tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự trong một vụ án cụ thể và đối với người phạm tội cụ thể chỉ làm cho tội phạm thay đổi mức độ nguy hiểm trong vụ án đó và cũng chỉ làm cho tội phạm thay đổi mức độ nguy hiểm trong vụ án đó và cũng chỉ làm cho tội phạm thay đổi mức độ nguy hiểm trong phạm vi một cấu thành chứ không làm thay đổi tính chất của tội phạm ấy
Trước hết, nó chỉ là những tình tiết cụ thể có liên quan đến vụ án đang giải quyết, nói lên mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm nhiều hay ít. Nếu các tình tiết đó không liên quan gì đến vụ án đang xem xét thì không phải tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chỉ làm thay đổi mức độ nguy hiểm chứ không làm thay đổi tính chất nguy hiểm. Điều đó không có nghĩa là tất cả các tình tiết quy định ở Điều 46 và Điều 47 Bộ luật hình sự không có tình tiết nào làm thay đổi tính chất của tội phạm. Nhưng khi đã coi là tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ thì nó không làm thay đổi tính chất nguy hiểm, còn nếu tình tiết nào đó nhà làm luật quy định tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt, thì không còn là tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nữa. Ví dụ tình tiết phạm tội có tổ chức, trong nhiều trường hợp nó là yếu tố định khung hình phạt và trong nhiều trường hợp là dấu hiệu định tội vì trong những trường hợp phạm tội cụ thể ấy nó đã làm thay đổi tính chất nguy hiểm của tội phạm. Khi đó hoặc làm thay đổi khung hình phạt hoặc cấu thành một tội phạm độc lập
Các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự có tính chất ổn định về số lượng và nội dung. Tất nhiên, sự ổn định này chỉ là tương đối. Trong quá trình phát triển của xã hội, nếu xuất hiện những tình tiết làm thay đổi mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm sẽ được bổ sung sao cho phù hợp với tình hình xã hội trong từng thời kỳ.
Khi chưa được bổ sung vào Bộ luật hình sự, thì Tòa án không được tùy tiện thêm vào những tình tiết mà Bộ luật hình sự không quy định để tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Tuy nhiên, đối với tình tiết giảm nhẹ thì Tòa án có thể coi những tình tiết khác ngoài những tình tiết đã được quy định trong Bộ luật hình sự là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhưng phải nói rõ lý do và tình tiết đó có ý nghĩa đối với trường hợp phạm tội cụ thể mà Tòa án đang xem xét và nói chung nó cũng chỉ là cá biệt
Các tình tiết có nội dung khác nhau, nên ý nghĩa tăng, giảm trách nhiệm hình sự cũng khác nhau. Ví dụ tái phạm nguy hiểm khác tái phạm về mức độ tăng nặng. Trong một tình tiết, ý nghĩa tăng, giảm trách nhiệm hình sự cũng khác nhau nếu như nó được xem xét với hành vi phạm tội khá nhau hoặc với người phạm tội khác nhau. Ví dụ trong thời gian chấp hành hình phạt tù mà phạm tội do cố ý, mức độ tăng nặng hơn phạm tội do vô ý.
Mỗi tình tiết chỉ có ý nghĩa áp dụng đối với một hoặc một số hành vi phạm tội; hoặc đối với một số người phạm tội chứ không thể áp dụng đối với tất cả các tội phạm hoặc đối với tất cả người phạm tội. Ví dụ tình tiết “ phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra” chủ yếu áp dụng đối với các tội giết người, cố ý gây thương tích.
Đối với tình tiết tăng nặng, người phạm tội phải thấy trước hoặc có thể thấy trước, thì mới được áp dụng đối với họ. Nếu có lý do họ không thấy được trước hoặc không thể thấy được trước dù tình tiết đó có xảy ra họ cũng không thể chịu trách nhiệm. Ví dụ một người đã gây thương tích cho một phụ nữ có thai, nhưng họ hoàn toàn không biết nạn nhân đang có thai, thì họ không bị coi là phạm tội đối với phụ nữ có thai.
Thư Viện Pháp Luật