Quy định về quản lý và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy
Theo quy định tại Điều 40 Nghị định 79/2014/NĐ-CP thì việc quản lý và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy được quy định như sau:
1. Phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải được quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng quy định và bảo đảm sẵn sàng chữa cháy. Phương tiện chữa cháy cơ giới còn được sử dụng vào các mục đích sau đây:
a) Tham gia công tác bảo đảm an ninh chính trị.
b) Tham gia công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.
c) Cấp cứu người bị nạn; xử lý tai nạn khẩn cấp.
d) Chống thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai.
2. Bộ trưởng Bộ Công an hoặc người được ủy quyền, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi quản lý của mình có quyền điều động phương tiện chữa cháy cơ giới sử dụng vào mục đích quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Giám đốc Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy cấp tỉnh, Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an cấp tỉnh trong phạm vi quản lý của mình có quyền điều động phương tiện chữa cháy cơ giới sử dụng vào mục đích quy định tại các Điểm b, c và d Khoản 1 Điều này.
4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý của mình có quyền điều động phương tiện chữa cháy cơ giới sử dụng vào mục đích quy định tại các Điểm c, d Khoản 1 Điều này.
5. Bộ Công an quy định chế độ quản lý, bảo quản, bảo dưỡng, sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy và hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về quản lý và sử dụng phương tiện phòng cháy và chữa cháy. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 79/2014/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật