Thế nào là hành vi 'côn đồ'?

Những hành vi như thế nào bị coi là phạm tội có tính chất côn đồ? Người phạm tội có tính chất côn đồ bị xử lý khác gì với hành vi phạm tội thông thường?

“Côn đồ” nhấn mạnh đến nhân thân tức yếu tố chủ thể, còn “phạm tội có tính chất côn đồ” nhấn mạnh đến hành vi của chủ thể.  Do đó, người bị coi là “côn đồ” chưa chắc là người “phạm tội có tính chất côn đồ”.

Côn đồ là những kẻ coi thường pháp luật, luôn luôn phá rối trật tự trị an, sẵn sàng hoặc thích dùng vũ lực để uy hiếp người khác phải khuất phục mình, vô cớ hoặc chỉ vì một duyên cớ nhỏ nhặt là đâm chém, thậm chí giết người.

Một hành vi bị coi là “phạm tội có tính chất côn đồ” nếu người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội một cách quyết liệt, không tương xứng, không phù hợp với mâu thuẫn, hoàn cảnh, diễn biến sự việc xuất phát từ những nguyên cớ nhỏ nhặt (mâu thuẫn, xích mích thông thường…) hay vô cớ (không vì bất cứ mâu thuẫn, xích mích hay mâu thuẫn giữa những người không liên quan với người phạm tội). 

Điều 48 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định rằng phạm tội có tính chất côn đồ được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự trong việc quyết định hình phạt.  Ngoài ra, “tính chất côn đồ” cũng là tình tiết định khung cấu thành tội phạm tăng nặng đối với tội “Giết người” và tội “Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác”.

“Phạm tội có tính chất côn đồ” là một trong các tình tiết tăng nặng chung có ý nghĩa quan trọng trong việc quyết định hình phạt. 

Do đó, người phạm tội có tính chất côn đồ khi bị xử lý hình sự sẽ bị áp dụng hình phạt theo hướng nghiêm khắc hơn trong cùng một điều luật hoặc trong phạm vi một khung hình phạt. 

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào