Nguyên tắc áp dụng hợp đồng EPC
Nguyên tắc áp dụng hợp đồng EPC được quy định tại Điều 3 Thông tư 30/2016/TT-BXD hướng dẫn hợp đồng thiết kế - cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình như sau:
1. Căn cứ vào đặc điểm, tính chất và quy mô của từng dự án, gói thầu EPC và các quy định của pháp luật Người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định áp dụng hình thức hợp đồng EPC cho các dự án, gói thầu xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hiệu quả của dự án đầu tư xây dựng.
2. Hợp đồng EPC chỉ áp dụng đối với những dự án, gói thầu xây dựng cần rút ngắn thời gian thực hiện; những dự án, gói thầu xây dựng có yêu cầu cao về kỹ thuật, công nghệ và phải đảm bảo tính đồng bộ từ khâu thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công xây dựng công trình đến khâu đào tạo vận hành, chuyển giao công trình.
3. Bên nhận thầu thực hiện hợp đồng EPC phải có đủ điều kiện về kinh nghiệm, năng lực tài chính, năng lực hành nghề và năng lực hoạt động đối với toàn bộ phạm vi công việc cần thực hiện của hợp đồng EPC gồm năng lực về: thiết kế, cung cấp thiết bị, cung cấp dịch vụ đào tạo, vận hành, chuyển giao công nghệ, thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng và các yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Bên nhận thầu EPC không được giao thầu phụ quá 60% khối lượng công việc thuộc phạm vi hợp đồng EPC.
4. Việc quản lý chi phí hợp đồng EPC không được vượt giá hợp đồng EPC đã ký kết theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng EPC.
5. Hồ sơ thiết kế của các dự án, gói thầu áp dụng hợp đồng EPC phải đáp ứng yêu cầu tại khoản 1 Điều 54 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13.
6. Việc ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng EPC phải phù hợp với các quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng.
Trên đây là quy định về Nguyên tắc áp dụng hợp đồng EPC. Để hiểu rõ hơn về điều này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 30/2016/TT-BXD .
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật