Thủ tục chuyển hộ khẩu về nhà chồng
Bạn không nêu rõ lý do tại sao gia đình bạn bị cắt khẩu vào năm 2004 và chưa nhập hộ khẩu thường trú tại địa mới ở Huyện Củ Chi?
Căn cứ Điều 22 Luật cư trú 2006 quy định xóa đăng ký thường trú như sau:
1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xoá đăng ký thường trú:
a) Chết, bị Toà án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết;
b) Được tuyển dụng vào Quân đội nhân dân, Công an nhân dân ở tập trung trong doanh trại;
c) Đã có quyết định huỷ đăng ký thường trú quy định tại Điều 37 của Luật này;
d) Ra nước ngoài để định cư;
đ) Đã đăng ký thường trú ở nơi cư trú mới; trong trường hợp này, cơ quan đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho công dân ở nơi cư trú mới có trách nhiệm thông báo ngay cho cơ quan đã cấp giấy chuyển hộ khẩu để xoá đăng ký thường trú ở nơi cư trú cũ.
2. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thường trú thì cũng có thẩm quyền xoá đăng ký thường trú.
3. Thủ tục cụ thể xoá đăng ký thường trú và điều chỉnh hồ sơ, tài liệu, sổ sách có liên quan do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
Nếu gia đình bạn bạn không thuộc một trong những trường hợp trên thì sẽ không bị xóa đăng ký thường trú. Do vậy, bạn cần phải quay về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trước đây (tại Đồng Tháp) để hỏi rõ lý do gia đình bạn bị xóa đăng ký thường trú?
Nếu gia đình bạn vẫn còn hộ khẩu thường trú tại tỉnh Đồng Tháp, sau khi sinh bạn muốn nhập khẩu về nhà chồng thì bạn phải xin giấy chuyển hộ khẩu theo quy định tại Khoản 2 Điều 28 Luật Cư trú 2006, giấy chuyển hộ khẩu được cấp cho công dân trong những trường hợp sau đây:
- Chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn của huyện thuộc tỉnh.
- Chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã của thành phố trực thuộc trung ương; thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 Luật Cư trú 2006, hồ sơ cấp giấy chuyển hộ khẩu bao gồm:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (HK02 - có mẫu cụ thể).
- Sổ hộ khẩu.
Do đó, để thực hiện thủ tục chuyển hộ khẩu, bạn phải làm hồ sơ đề nghị cấp giấy chuyển hộ khẩu và nộp cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 8 Thông tư 35/2014/TT-BCA như sau:
“1. Thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu
a) Trưởng Công an xã, thị trấn có thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh;
b) Trưởng Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp giấy chuyển hộ khẩu cho các trường hợp chuyển đi ngoài phạm vi huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.”
Với trường hợp của bạn, thẩm quyền cấp giấy chuyển hộ khẩu là Trưởng Công an cấp huyện nơi bạn đang có hộ khẩu thường trú. Sau khi có giấy chuyển khẩu bạn sẽ làm thủ tục đăng ký thường trú ở nhà chồng.
Sau khi có giấy chuyển hộ khẩu, bạn chuẩn bị hồ sơ để đăng ký thường trú như sau:
- Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (HK02 - có mẫu cụ thể);
- Bản khai nhân khẩu (HK01 - có mẫu) trong trường hợp đã đăng ký thường trú, tạm trú nhưng chưa thực hiện việc khai nhân khẩu lần nào.
- Giấy chuyển hộ khẩu.
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp (được quy định tại Điều 6 Nghị định 31/2014/NĐ-CP)
Thẩm quyền đăng ký thường trú được quy định tại Điều 9 Thông tư 35/2014/TT-BCA:
“1. Công an quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền đăng ký thường trú tại quận, huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Công an xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh có thẩm quyền đăng ký thường trú tại các xã, thị trấn thuộc huyện thuộc tỉnh. Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh có thẩm quyền đăng ký thường trú tại thị xã, thành phố thuộc tỉnh.”
Đối với trường hợp của bạn, cơ quan công an cấp huyện nơi chồng bạn có hộ khẩu thường trú thực hiện.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về thủ tục chuyển hộ khẩu về nhà chồng. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật cư trú 2006 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Thư Viện Pháp Luật